Tạm ước Việt-Pháp 14/9/1946: Hồ Chí Minh chân thành muốn hòa bình

© Flickr / manhhai1946 Chủ tịch Hồ và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Marius Moutet tại Paris sau cuộc thương thuyết về một hiệp ước mới giữa Pháp và VN.
1946 Chủ tịch Hồ và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Marius Moutet tại Paris sau cuộc thương thuyết về một hiệp ước mới giữa Pháp và VN. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất năm 1946, Hồ Chí Minh vẫn kiên nhẫn làm mọi thứ có thể để cứu vãn nền hòa bình mong manh giữa Việt Nam và Pháp.

Hơn 70 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện phía Pháp bản Tạm ước nhằm ngăn ngừa nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện này một lần nữa khẳng định Hồ Chí Minh hiện thân cho hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Tháng 8/1945 Việt Nam giành lại độc lập từ tay phát xít Nhật. Không cam chịu thực tế này, quân Pháp sau đó núp bóng quân Anh quay trở lại miền Nam Việt Nam với mưu đồ tái lập chế độ thực dân lỗi thời của họ trên toàn đất nước Việt Nam, khôi phục lại các lợi ích đã mất.

Thời đó trong hệ thống thuộc địa Pháp, xứ Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào, và Campuchia) đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Pháp vừa bị Thế chiến thứ II tàn phá nặng nề. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Về đất đai, Đông Dương chỉ chiếm 1/16 toàn bộ diện tích thuộc địa của Pháp, nhưng lại có dân số bằng 2/5 tổng dân số của tất cả các thuộc địa của Pháp. Đây là nơi hàng năm cung cấp cho tư bản độc quyền Pháp hơn 1 tỷ franc tiền lời. Từ năm 1900 đến 1945, số tiền lãi của Ngân hàng Đông Dương đã tăng lên gấp 33 lần. Trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, Đông Dương là nơi được tư bản độc quyền Pháp đầu tư nhiều nhất, trên 52 tỷ Franc."

Sự trở lại của người Pháp không dễ dàng. Ngay từ đầu họ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Nam Bộ. Ở miền Bắc Việt Nam, Pháp lo ngại vấp phải sự kháng cự còn mạnh hơn thế nữa của quân và dân ta, đồng thời cũng rất "ngán" một đối thủ khá rắn là quân đội Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, vào Việt Nam dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật theo quyết định của Hội nghị Postdam tháng 7/1945. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp ngày 6/3/1946 chấp nhận cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc trong thời hạn 5 năm, thay thế 180.000 quân Tưởng Giới Thạch.

Tuy nhiên sau khi ký kết, phía Pháp luôn trì hoãn thi hành Hiệp định này, thậm chí thường xuyên vi phạm Hiệp định.

Đọ trí trên Vịnh Hạ Long

Ngày 24/3/1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương d'Argenlieu đón tiếp Hồ Chủ tịch (có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám và Thư ký Vũ Đình Huỳnh tháp tùng) trên chiến hạm Emile Bertin ở vịnh Hạ Long để bàn về thi hành Hiệp định sơ bộ nói trên. Tại buổi tiếp, phía Pháp đã tranh thủ phô trương các chiến hạm để "ra oai" với Việt Nam. 

Trong cuộc tranh luận giữa đôi bên, D'Argenlieu bộc lộ rõ ý đồ dây dưa, trì hoãn. 

Sau khi trao đổi, hai bên quyết định sẽ tổ chức hội nghị trù bị Việt-Pháp ở Đà Lạt. D'Argenlieu đồng ý với ý kiến của Hồ Chí Minh là sẽ cử một đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam đi thăm hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp vào tháng 4/1946 để tạo không khí thuận lợi cho Hội nghị Việt-Pháp sẽ chính thức được tổ chức sau Hội nghị Đà Lạt. Hai bên cũng nhất trí rằng một đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào cuối tháng 5/1946 sẽ sang Pháp để tiến hành thương thảo và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đi cùng đoàn này với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. 

Đối mặt tại Đà Lạt

Hội nghị trù bị tại Đà Lạt khai mạc vào 19/4/1946. Hội nghị có nhiều sóng gió vì phía Pháp luôn có mưu đồ là chia tách Việt Nam thành nhiều xứ, nhiều quốc gia. Trên thực tế vào ngày 27/5/1946, Pháp đã ngang nhiên lập ra cái gọi là "Cộng hòa tự trị Nam Kỳ" (còn gọi là Nam Kỳ quốc), cổ xúy cho "dân tộc Nam Kỳ", chủ trương "xứ Nam Kỳ là của người Nam Kỳ".

Sự kiện Nam Kỳ quốc, cũng như việc trước đó Pháp chia Việt Nam thành 3 kỳ với chế độ cai trị khác nhau, đều nằm trong cái logic chung của thực dân Pháp là "chia để trị". (Đường lối quen thuộc này cũng đã được thực dân Pháp và Anh thi hành một cách bài bản ở Trung Đông. Di sản nặng nề từ chính sách này vẫn còn đậm nét ở Trung Đông ngày nay.) 

Pháp không công nhận Việt Nam có quyền ngoại giao và có quyền ký các hiệp ước quốc tế. Họ muốn tách Tây Nguyên thành khu tự trị và không đồng ý bàn vấn đề Nam Bộ. 

Trong Hội nghị này phía Pháp còn gây khó dễ cho phía Việt Nam về khía cạnh kỹ thuật (chẳng hạn ngăn trở đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Sài Gòn lên Đà Lạt, cản trở họ dùng điện đài…). 

Cuối cùng Hội nghị không đạt kết quả gì. Mặc dù vậy, với thiện chí gìn giữ hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cử đoàn đại biểu sang Pháp đàm phán và bản thân Người đi cùng đoàn để sang thăm chính thức nước Pháp, từ ngày 31/5/1946. 

"Đấu trường" Fontainebleau 

Hội nghị Fontainebleau về hòa bình ở Đông Dương chính thức diễn ra từ ngày 6/7 đến 10/9/1946. Địa điểm tổ chức sự kiện là tòa lâu đài Fontainebleau cách Paris khoảng 60km.

Hai máy bay Dakota của Pháp đưa Bác Hồ và đoàn đại biểu Việt Nam từ Gia Lâm (Hà Nội) sang Pháp, nhưng không bay thẳng sang Paris, mà bay vòng qua nhiều nơi trên thế giới và nghỉ nhiều chặng. Phải mất 12 ngày phi cơ mới tới đất Pháp. Chỉ thị của chính phủ Pháp trước đó là: "Hãy đưa các vị ấy đi du ngoạn càng lâu càng tốt". 

Hội nghị Fontainebleau khai mạc bằng diễn văn vô thưởng vô phạt của trưởng đoàn Pháp Max Andre. Nhưng diễn văn của trưởng đoàn Việt Nam (ông Phạm Văn Đồng) thì lại mang tính tiến công cao, chỉ rõ các hành động của Pháp vi phạm Hiệp định sơ bộ 6/3: Không đình chiến, đánh chiếm Pleiku — Kontum, chiếm phủ toàn quyền (Đông Dương cũ), lập ra chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam (Cộng hòa Tự trị miền Nam, Nam Kỳ quốc). Ông Đồng khẳng định rằng Pháp mà làm vậy thì hai bên sẽ không thể đi tới một thỏa thuận hòa bình và hữu nghị. 

Phía Pháp nhất nhất muốn Việt Nam chỉ quan hệ với Pháp và không có Bộ Ngoại giao riêng. Pháp đòi "tái lập trật tự" trước tiên rồi mở cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ về việc sáp nhập Nam Kỳ vào Trung Kỳ và Bắc Kỳ. 

Ngày 26/7/1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Thierry d'Argenlieu tuyên bố triệu tập Hội nghị Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt vào ngày 1/8/1946 với đại diện của Nam Kỳ, Tây Nguyên, Lào, và Campuchia. Đây rõ ràng là một sự khiêu khích lớn vô cùng nguy hiểm. Sau đó, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tuyên bố tạm ngừng Hội nghị Fontainebleau đến khi Pháp đưa ra lời giải thích về sự kiện ở Đà Lạt.

Trước yêu cầu của đoàn Việt Nam, ngày 8/8 trưởng phái đoàn Pháp Max Andre thông báo cho phía ta rằng Hội nghị Đà Lạt vào ngày 1/8 chỉ là để thăm dò ý kiến về vấn đề Liên bang Đông Dương chứ không quyết định gì cả.

Hồ Chủ tịch (không phải là thành viên đoàn đàm phán) đã đứng ra dàn xếp để Hội nghị được nối lại. 

Chiều 10/9 hai phái đoàn Việt Nam và Pháp gặp nhau để ký Tạm ước Việt-Pháp. Phái đoàn Việt Nam yêu cầu phía Pháp ấn định chắc chắn thời điểm và cách thức thực hiện trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ trước khi ký Tạm ước nhưng phía Pháp không trả lời nên phái đoàn Việt Nam rời phòng họp. Đoàn Việt Nam rời Paris đi cảng Toulon ngày 13/9. Ngày 16/9 đoàn Việt Nam xuống tàu thủy về nước. 

Cứu vãn hòa bình đến phút chót 

Dù không tham dự trực tiếp Hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ luôn theo dõi sát quá trình thương thảo, đưa ra chỉ đạo và có những tác động mạnh vào quá trình đàm phán.

Ngày 15/8/1946 Hồ Chí Minh tuyên bố với tờ báo Franc-Tireur (Người Du kích) của Pháp: "Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với 2 bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong ước".

Sau khi Hội nghị Fontainebleau bế tắc và thất bại, phái đoàn của Việt Nam về nước trước, còn Bác Hồ cùng một vài người trong đoàn nán lại. 

Để cứu vãn hòa bình, ngày 14/9/1946, Hồ Chủ tịch chủ động gặp Thủ tướng Pháp Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp Marius Moutet. 

Sáng 14/9 Bác gặp Moutet, trao đổi ý kiến về một bản Tạm ước (modus vivendi).

Cuộc đàm phán rất cam go, với điểm khó là vấn đề Nam Bộ. Moutet tỏ ra cứng rắn, cho rằng nếu dàn xếp vấn đề Nam Bộ thì sẽ "vi phạm chủ quyền của nước Pháp". Ông ta giục "Ngài ký cho, nếu không sẽ tan vỡ". Bác Hồ đáp lại rằng đã quyết định sẽ về nước vào 8h sáng ngày 16/9/1946. Vào lúc 23h Bác Hồ chia tay Moutet để ra về. 

Từ nhà Moutet trở về, Hồ Chủ tịch vào phòng riêng tiếp tục suy nghĩ. Nửa đêm hôm đó Bác gọi điện thoại cho Moutet và sau đó đến nhà ông ta thỏa luận thêm về nội dung bản tạm ước. Đến 0h30 (rạng sáng 15/9), lúc đó các nhân viên đi cùng đã ngủ, thì Người và Moutet lại gặp nhau. Hồ Chí Minh dùng nhiều lời lẽ để thuyết phục Moutet ký Tạm ước. Sau đó hai người cùng đặt bút ký bản "Tạm ước Việt-Pháp 14/9". 

Bản lĩnh Hồ Chí Minh

Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam yêu cầu tổ chức Hội nghị chính thức ở thủ đô Paris (Pháp) để tranh thủ hậu thuẫn của dư luận Pháp, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp khi đó đang khá mạnh trên chính trường nước này sau Thế chiến II. Còn Chính phủ Pháp lựa chọn tổ chức Hội nghị ở Fontainebleau (cách Paris 60km) với ý đồ giảm ảnh hưởng của Hội nghị đối với dư luận nước này. 

Thế nhưng ý đồ này của Pháp đã thất bại do uy tín to lớn của Hồ Chí Minh (trong cộng đồng Việt kiều cũng như những người bạn Pháp) và cách hoạt động khôn khéo của Bác. Với tư cách là thượng khách chính phủ Pháp (chứ không phải là thành viên đoàn đám phán), Bác Hồ càng có điều kiện hoạt động.

Khi Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Việt Nam đến Biarritz (Pháp), nhiều Việt kiều, nhân vật Pháp, bạn bè của Bác lần lượt chủ động đến chào hỏi Bác. 

Sau khi tới Paris, Bác lại tiếp tục gặp Việt kiều, nói chuyện với họ và cảm ơn sự giúp đỡ của họ. Hồ Chí Minh dành thời gian thăm và tiếp những người bạn Pháp cũ như Leon Blum, và làm quen với những người bạn Pháp mới. Nhiều nghị sĩ Pháp tỏ ra xúc động khi được gặp Bác. 

Đặc biệt Bác cũng tiếp cả các doanh nhân Pháp — những người đã chăm chú nghe Bác trình bày chủ trương của Việt Nam là tôn trọng quyền lợi kinh tế của Pháp và muốn được Pháp hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật để khắc phục tình trạng lạc hậu. Các doanh nhân này hỏi Bác nhiều câu hỏi cụ thể.

Trong quá trình diễn ra Hội nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh tổ chức một số cuộc họp báo hoặc buổi tiếp riêng phóng viên các tờ báo cánh tả của Pháp để trình bày lập trường của Việt Nam. 

Chẳng hạn ngày 12/7/1946 Bác mở họp báo, khẳng định "Về kinh tế và văn hóa, chúng tôi tán thành một "liên kết" với nước Pháp trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp". Bác cũng nhấn mạnh Liên bang Đông Dương chủ yếu là để liên kết Việt Nam, Lào và Campuchia về kinh tế, chứ không thể biến thành một Phủ toàn quyền trá hình. Động thái ngoại giao này vừa tranh thủ dư luận Pháp vừa động viên tinh thần phái đoàn ta trong Hội nghị.

Phóng viên các báo đến rất đông và thích nghe những lời giải thích của Bác. 

Nội dung Tạm ước 14/9/1946 

Bản Tạm ước 14/9 không giải quyết cụ thể vấn đề nào cả, chỉ nêu những thỏa thuận về nguyên tắc mà những tiểu ban hỗn hợp sau này sẽ cụ thể hóa cách thức thực hiện. Một hiệp định đầy đủ và dứt khoát sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán tiếp theo, chậm nhất là vào tháng 1/1947. 

Theo Tạm ước này, các lực lượng quân sự hai bên giữ nguyên hiện trạng trên chiến trường, nhưng Pháp được trao thêm các lợi ích kinh tế. 

Một số điều khoản đáng lưu ý: Khoản 1 nêu Việt kiều ở Pháp và Pháp kiều ở Việt Nam được hưởng quyền tự do cư trú như người bản xứ. Khoản 2 nêu xí nghiệp Pháp ở Việt Nam hưởng sự ngang hàng về chế độ như dành cho xí nghiệp của người bản xứ, nhất là về thuế khóa và luật lao động. Khoản 5 quy định "đồng bạc Đông Dương sẽ là thứ tiền duy nhất tiêu dùng trong toàn cõi Đông Dương…", và đồng bạc này lệ thuộc vào đồng franc của Pháp. Khoản 9 khẳng định chính phủ hai bên sẽ đình chỉ mọi hành động xung đột và vũ lực, thực hiện các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ. Theo Khoản 10, các cuộc đàm phán song phương sẽ tiếp tục, chậm nhất là vào tháng 1/1947. 

Như vậy, Tạm ước 14/9 tôn trọng tinh thần và một số điều khoản của Hiệp định sơ bộ 6/3, tạo thêm thời gian hòa hoãn quý báu cho chính quyền cách mạng non trẻ chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (bắt đầu vào ngày 19/12/1946 và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ). 

Với bản Tạm ước này, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có những nhân nhượng cuối cùng và lớn nhất đối với Pháp. Hai bên cùng có lợi từ Tạm ước này. Nếu Pháp thật sự tôn trọng Tạm ước và nghiêm túc tìm kiếm một hiệp định đầy đủ thì tình hình hoàn toàn có thể phát triển theo hướng tích cực, tránh được chiến tranh, mở ra một thời kỳ mới tươi sáng trong lịch sử quan hệ hai quốc gia, và người Mỹ sau này sẽ ít điều kiện can thiệp vào Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề ảo tưởng vào thiện chí của những kẻ trước sau chỉ muốn áp đặt trở lại ách đô hộ thực dân lên dân tộc Việt Nam — Người luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Người trong quan hệ với Pháp trong giai đoạn 1945 — 1946 đã cho thấy Bác luôn chân thành hy vọng vào những điều tốt đẹp trong quan hệ Việt-Pháp và đã làm tất cả những gì có thể để tránh khổ đau cho cả hai dân tộc. 

(Bài viết dựa trên Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, tư liệu của Đỗ Hoàng Linh — Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh, và cuộc trao đổi với Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành — nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam ở Australia, con trai cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám).

 

Trung Hiếu/VOV.VN

 

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала