Tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật. Không những thế, tâm thần và những rối loạn tâm thần cũng là nguyên nhân của nhiều tệ nạn, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây bạo lực trong xã hội hiện nay. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ giết người thời gian qua thì tỉ lệ thủ phạm có biểu hiện rối loạn về tâm lí, tâm thần chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Để ngăn chặn sự gia tăng của bệnh tâm thần cần quan tâm đến nhiều vấn đề, một trong những điều quan trọng nhất đó là trị liệu tâm lí — bước quan trọng để ngăn chặn sự bùng nổ của bệnh tâm thần. Chúng ta đều biết, ở các nước phát triển hầu như mỗi cá nhân luôn có hai đối tượng để bảo vệ mình trong những tình huống có vấn đề họ gặp phải đó là luật sư và bác sĩ tâm lí. Song, ở Việt Nam đa số người dân không hề có khái niệm bác sĩ tâm lí. Những vấn đề mỗi cá nhân gặp phải chủ yếu là họ tự giải quyết. Có người giải quyết tích cực và vượt qua được stress nhưng cũng không ít những trường hợp giải quyết tiêu cực. Vì thế, để giải quyết những vấn đề, những trục trặc, áp lực…của mỗi người trong cuộc sống, xu hướng sắp tới của xã hội Việt Nam phải là hình thành thói quen tìm gặp bác sĩ tâm lí.
Một điều vô cùng quan trọng để giải pháp trên có thể khả thi nữa đó là đào tạo nguồn lực bác sĩ tâm lí, tâm thần. Trước hết, cần tuyên truyền sâu rộng cho mọi người thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của bác sĩ tâm lí, tâm thần và xu thế của xã hội trong tương lai. Cũng cho các em học sinh thấy đây cũng chính là một cơ hội chọn nghề nghiệp sáng suốt trong hoàn cảnh tỉ lệ thất nghiệp rất cao như hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn học sinh chọn nghề bác sĩ đều tránh ngành học này vì điều kiện làm việc khó khăn hơn, thu nhập làm thêm cũng khó khăn hơn như trên đã nói. Trước mắt, cần có sự khuyến khích ưu đãi cho sinh viên và bác sĩ công tác trong lĩnh vực này để có sức thu hút người học.
Có thể có nhiều giải pháp để giúp giảm bớt và ngăn chặn sự gia tăng của bệnh nhân tâm thần trên cả nước đã được đưa ra trong thời gian qua. Song, những giải pháp đó chủ yếu để khắc phục phần ngọn còn phần gốc thì nhất thiết phải thay đổi, có sự đột phá trong nhận thức của người dân về căn bệnh này. Làm được điều này không chỉ góp phần hiệu quả để giảm số lượng bệnh nhân tâm thần mà còn góp phần hạn chế bớt những mâu thuẫn xung đột dẫn đến hành vi bạo hành trong xã hội. Điều đó cũng góp phần giúp xã hội văn minh hơn.
Nguồn: laodong.com.vn