Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin bình luận như sau với Sputnik:
"Cho đến nay, một trong những tàu lặn có người lái mạnh nhất của Trung Quốc là Giao Long, từng đạt độ sâu 7.062 mét vào tháng 7 năm 2012. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thiết bị lặn không người Haidou-1 với kỷ lục lặn sâu 10.767 mét (8/2016).
Trung Quốc là một trong năm quốc gia (cùng Mỹ, Nga, Pháp và Nhật Bản) có khả năng đóng tàu lặn sâu. Hoạt động nghiên cứu được Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1980 và sau năm 1990 diễn ra với sự tham gia tích cực của Nga. Đặc biệt, Giao Long là kết quả của chương trình hợp tác giữa Viện nghiên cứu khoa học 702 tập đoàn CSIC, Viện Nghiên cứu Trung ương Nga mang tên Viện sĩ Krylov và Nhà máy đóng tàu Baltic, dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc và Bộ Giáo dục Khoa học Nga trong những năm 2000.
Công nghệ chế tạo tàu lặn sâu được Trung Quốc coi trọng như một mục tiêu ưu tiên phát triển khoa học. Lý do không chỉ bởi uy tín mà còn là những cơ hội mới nghiên cứu và tìm kiếm nguồn tài nguyên hữu ích dưới đáy đại dương. Ngoài ra, công nghệ lặn sâu có cả ý nghĩa quân sự.
Tuy nhiên, hiện nay giới quân sự ít sử dụng các độ sâu quá vài trăm mét. Liên Xô từng đóng một tàu ngầm hạt nhân lặn được tới 1.200 mét, nhưng sau tai nạn năm 1989 những thử nghiệm tương tự đã không được lặp lại. Hải quân Nga hiện nay có các "trạm nguyên tử nước sâu" AS-12 lặn tới độ sâu 3.000 mét và có tiềm năng đạt 6.000 mét. Những thiết bị như vậy, về mặt lý thuyết, có thể tiêu diệt hoặc tiếp cận tàu ngầm, gây thiệt hại cho hệ thống lặn sâu trinh thám tàu ngầm của đối phương. Ngoài Nga, Mỹ cũng có các thiết bị lặn sâu đặc biệt.
Rõ ràng, việc Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc tranh giành ưu thế ở Thái Bình Dương đòi hỏi phải có thiết bị quân sự lặn sâu. Khả năng là Trung Quốc sẽ trau dồi những kinh nghiệm cần thiết trong quá trình chế tạo thiết bị phục vụ khoa học và kinh tế.