Đây không phải là những lập luận bi quan mà là cách đánh giá về tình trạng hiện tại trong báo cáo "Xu hướng toàn cầu: Nghịch lý của sự phát triển" của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC). Bản báo cáo này đã được công bố trước thềm lễ nhậm chức Tổng thống của Donald Trump.
Theo báo cáo, trong vòng 5 năm tới, nguy cơ xung đột giữa các nước trên thế giới sẽ gia tăng đến mức chưa từng có kể từ thời chiến tranh lạnh, xung đột có thể bùng nổ không chỉ giữa các quốc gia mà còn nội bộ một số nước. Trong số các rủi ro khác, các tác giả đặc biệt lưu ý đến chủ nghĩa khủng bố, khoảng cách giàu — nghèo gia tăng, biến đổi khí hậu và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, cũng như việc Nga và Trung Quốc củng cố vị thế của mình.
Những lập luận về mối nguy cơ từ phía Nga và Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh của mình chỉ là những câu chuyện kinh dị truyền thống. Nhưng, nếu nói về các nguy cơ khác thì chúng tôi đồng ý với kết luận này thậm chí nếu không biết thông tin bí mật của tình báo Mỹ mà chỉ đơn giản đọc tin tức. Các vụ tấn công khủng bố, các vấn đề môi trường, nạn thất nghiệp đang gia tăng — đây là các triệu chứng của "những năm đen tối và khó khăn trong tương lai gần ", đúng theo dự đoán của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ. Song, các tác giả của báo cáo không nói gì về những ai chịu trách nhiệm về các xu hướng bất lợi. Điều này là dễ hiểu, bởi vì nếu phân tích kỹ lưỡng vấn đề này thì sẽ thấy khá rõ ràng rằng, những vấn đề đó do chính Mỹ tạo ra.
Vào đầu thế kỷ, Hoa Kỳ đã gây ra các cuộc chiến đẫm máu tại Iraq và Afghanistan, mà các chiến dịch đó không những không đem lại bất cứ kết quả tích cực trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, mà còn gây mất ổn định ở Trung Đông và Trung Á. Không ngẫu nhiên mà người ta đã mong đợi để ông Barack Obama được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 2008 thực thi chính sách hợp lý hơn và yêu chuộng hòa bình. Mọi người đã gửi gắm quá nhiều kỳ vọng vào Tổng thống Da đen đầu tiên của Hoa Kỳ, ông Obama thậm chí còn được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2009. Giải này có thể được coi như khoản tạm ứng, bởi vì vào thời điểm đó vị tổng thống mới chưa có công lao trong sự nghiệp củng cố hòa bình. Song, sau đó ông cũng không làm được gì vĩ đại trong lĩnh vực này. Theo báo cáo gần đây của tờ báo Anh The Guardian, dưới thời Tổng thống Obama, chỉ riêng trong năm 2016 Hoa Kỳ đã ném hơn 26 nghìn quả bom tại một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Tức là, quân đội Mỹ đã thả gần 3 quả bom mỗi giờ.
Ông Obama "yêu chuộng hoà bình" không chỉ không đặt được dấu chấm hết cho các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, mà còn đã gây ra những cuộc chiến mới. Hoa Kỳ đã tham gia vào các vụ đánh bom dã man ở Libya dẫn đến việc lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, sau đó đất nước này đã lâm vào cảnh hỗn loạn. Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho các chiến binh ở Syria, trên thực tế chính Mỹ đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho các nhóm khủng bố xuất hiện trên lãnh thổ Iraq và Syria, mà mạnh nhất trong số đó là "Nhà nước Hồi giáo". Đây là những kết quả thảm khốc của hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Bây giờ quyết định trao cho ông Giải Nobel Hoà bình có thể được coi như sự nhạo báng cộng đồng quốc tế, và đây không phải là trang xứng đáng nhất trong lịch sử Ủy ban Nobel.
Các chuyên gia của Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ kết luận như sau: "5 năm tới sẽ là thời gian thử nghiệm sức mạnh của Mỹ. Tốt hay xấu, nhưng cảnh quan toàn cầu cho thấy rằng, sự kết thúc của kỷ nguyên thống trị của Mỹ kéo dài sau Chiến tranh Lạnh đang đến rất gần rồi". Không thể không đồng ý với ý kiến này- cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, và trong tương lai gần chúng ta sẽ thấy một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ.