Dự án độc đáo này trước hết mang tính chính trị và có mục đích thống nhất lại các quốc gia châu Âu để tạo ra một châu Âu thống nhất theo kiểu liên bang.
Bình luận viên Dmitry Dobrov của báo điện tử "Inosmi.ru" viết, trước hết cần phải lưu ý rằng, ở giai đoạn đầu tiên dự án này đã mang lại kết quả. Nhưng, vào tháng 10 năm 2007, tại Lisbon, các thành viên đã ký kết thỏa thuận về cải cách EU, bổ sung và phát triển ý tưởng Maastricht. Họ buộc phải ký kết Hiệp ước Lisbon sau thất bại trong các cuộc trưng cầu dân ý ở Pháp và Hà Lan về Hiến pháp EU, vì đang đứng trước nhiệm vụ đảm bảo hoạt động của Liên minh Châu Âu trong khi thành phần của EU gia tăng từ 15 đến 27 quốc gia thành viên. Vì thế trong Hiệp ước Lisbon có điều 50 nổi tiếng, trong đó quy định các điều kiện và thủ tục ra khỏi EU.
Hôm nay, châu Âu phải thừa nhận những khó khăn nghiêm trọng trong việc thực hiện dự án đầy tham vọng này: những mâu thuẫn nội bộ EU đang gia tăng, những nỗ lực gắn kết các nước có mức độ phát triển kinh tế, văn hóa và chính trị khác nhau chưa mang lại kết quả mong muốn. Ở khắp mọi chủ nghĩa dân túy cánh hữu và những tình cảm dân tộc hẹp hòi đang ngóc đầu dậy. Nam Âu không hài lòng với sự thống trị của Đức và các tiêu chuẩn khắt khe trong chính sách tài chính mà Brussels áp đặt. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (Brexit) là thách thức nghiêm trọng nhất đối với EU, đây là "ly hôn" đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu. Đa số người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU.
Các quan chức châu Âu đã tạo ra cơ cấu quan liêu cồng kềnh, mà nó chỉ báo cáo với bản thân và không liên quan trực tiếp đến ý muốn của người dân châu Âu. Trụ sở EU ở Brussels có kích thước lớn đáng kinh ngạc. Tính tổng cộng trong các cơ quan trung ương, các viện và cơ quan của Liên minh châu Âu có hơn 46 nghìn nhân viên. Họ thông qua và phân phát hàng nghìn luật và quy định, trong đó nhiều văn kiện chỉ đơn giản là vô lý. Các lý tưởng tài chính của Maastricht cũng không đứng vững được trước sóng gió cuộc đời: thâm hụt ngân sách tối đa —3%, nợ công — 60%. Không chỉ các nền kinh tế yếu hơn ở phía Nam châu Âu mà ngay cả các quốc gia như Pháp không thể thực hiện các tiêu chí này.
Cuối tuần qua tại cuộc gặp ở Lisbon, lãnh đạo các nước Nam Âu thuộc EU (Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hy Lạp, Síp và Malta) thẳng thừng yêu cầu nới lỏng các quy định ngân sách chặt chẽ và tăng chi tiêu để kích thích tăng trưởng kinh tế. Và đó là các nước đã từng ký vào Hiệp ước Maastricht.
Châu Âu đang bị chia rẽ không chỉ về mặt kinh tế: có ngày càng nhiều tranh cãi về một loạt vấn đề, bao gồm cả di cư bất hợp pháp, toàn cầu hóa và lệnh trừng phạt chống Nga. Trong khi đó, thế giới xung quanh lục địa châu Âu đã thay đổi đáng kể so với thời điểm ký kết Hiệp ước Maastricht. Vương quốc Anh sắp bắt đầu thủ tục rời Liên minh châu Âu, chính quyền mới của Mỹ hoan nghênh Brexit và nghi ngờ quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương và NATO, chiến binh thánh chiến từ Trung Đông thực hiện những hành động khủng bố tại các thành phố châu Âu. Do tất cả điều đó ban lãnh đạo Liên minh châu Âu không thể duy trì tinh thần lạc quan. Chính bởi vậy Brussels đã quyết định không tổ chức những hoạt động quy mô lớn để kỷ niệm ngày thành lập EU.
Vậy thì thành tựu nào là quan trọng nhất trong 25 năm qua? Các mục tiêu của Hiệp ước Maastricht không được thực hiện đến cùng: không đạt được sự hội nhập ngân sách, tài chính và xã hội trong Liên minh châu Âu, không tạo ra một chính phủ kinh tế trong khu vực đồng euro. Chính phủ các nước châu Âu đang bị tê liệt bởi cuộc khủng hoảng tài chính và di cư, lan tỏa rộng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroscepticism). Và nguy hiểm nhất là họ vẫn chưa thảo ra chiến lược hành động trong điều kiện mới khi trật tự thế giới đang thay đổi. Song, EU vẫn có tiềm năng đáng kể: dân số khu vực EU (vẫn đang cùng với Vương quốc Anh) là khoảng 500 triệu người, tiềm năng kinh tế — khoảng 20% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu sẽ phải làm việc rất nghiêm túc để duy trì không gian chung châu Âu, vị trí xứng đáng trên thế giới và chế độ phúc lợi xã hội cao.