Theo trang mạng Navy Recognition, nhận định này được đưa ra dựa trên những hình ảnh vệ tinh chụp từ ngày 09/12/2016.
Được biết, tàu đổ bộ Type 726A đang được thi công tại nhà máy đóng tàu Jiangnan Changxing ở Thượng Hải.
Dựa theo hình ảnh vệ tinh dưới đây thì ngoài 2 tàu khu trục Type 055 và 4 tàu khu trục Type 052D còn có thể thấy 4 tàu bổ bộ đệm khí Type 726A (ô màu vàng). Hai tàu đã xuống nước và 2 tàu ở trên bờ.
Type 726A là tàu đổ bộ đệm khí có lượng giãn nước 150 tấn, được thiết kế để có thể chứa trong khoang của tàu đổ bộ Type 071.
Phiên bản Type 726 ban đầu dường như đã gặp một số trục trặc kỹ thuật khiến chỉ có 4 chiếc được chế tạo. Điều này khiến tàu Type 071 với lượng giãn nước hơn 20.000 tấn bị giới hạn khả năng đổ bộ.
Tất cả 4 chiếc Type 726 trước đây cũng đều được đóng tại nhà máy Jiangnan Changxing 6 năm về trước. Những tàu đổ bộ đệm khí này được trang bị động cơ tuabin khí UGT-6000 của Ukraine, và đây cũng chính là nguồn gốc gây ra các vấn đề trên Type 726.
Mẫu Type 726A mới được trang bị động cơ đẩy do Trung Quốc chế tạo. Động cơ tuabin khí QC-70 được phát triển từ động cơ máy bay WS-10.
Điều thú vị là tập đoàn hàng không AVIC của Trung Quốc cũng đóng vai trò trong việc thiết kế tàu đổ bộ Type 726/726A, như công đoạn lắp ráp cánh quạt do Tập đoàn hàng không Thành Đô (hiện nay đang chế tạo chiến đấu cơ J-10B và J-20) thuộc AVIC thực hiện.
Mỗi tàu đổ bộ Type 726/726A có thể chở theo đến 60 tấn, tương đương khối lượng tối đa của xe tăng ZTZ-96A hoặc ZTZ-99A. Bán kính hoạt động lên đến 320km, đủ để vượt qua eo biển Đài Loan với tốc độ 80km/giờ.
Không có con số chính xác về số lượng tàu đổ bộ đệm khí sẽ được chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc nhưng hiện tại có ít nhất 4 tàu Type 726 đang trong biên chế và 4 tàu Type 726A đang được chế tạo,
Ngoài ra, mỗi tàu đổ bộ Type 071 có thể mang theo 2 tàu đổ bộ đệm khí và Hải quân Trung Quốc có kế hoạch sở hữu 6 tàu Type 071, do đó con số tàu đổ bộ đệm khí còn có thể tăng lên nữa.
Nguồn: Tri thức trẻ