Phần lớn các tòa nhà trên phố là di tích kiến trúc, nơi sống của các gia đình quý tộc danh giá và doanh nhân thành đạt. Có lẽ, không đường phố nào của Moskva còn giữ được nhiều biệt thự sang trọng như vậy. Prechistenka có dáng vóc một mệnh phụ đài các, đắm mình trong kỷ niệm của một thời xa xưa.
Vào thế kỷ XVI, xa giá đưa các vị Nga hoàng theo con đường này đến tu viện Novodevichy cầu nguyện. Dần dần, con phố hình thành trên đường vua đi và chính thức có tên Prechistenka vào năm 1658. Giới quý tộc Moskva bắt đầu chọn đất và xuất hiện những cung điện nguy nga. Quan đại thần nào cũng muốn vượt trội người hàng xóm, họ đua nhau tìm mời các kiến trúc sư giỏi nhất. Prechistenka trở thành một trong những con đường đẹp nhất và sang trọng nhất của thủ đô Nga.
Cuộc sống yên bình của cư dân phố Prechistenka bị phá vỡ vào năm 1812, khi quân đội của Hoàng đế Pháp Napoleon tiến vào cố đô Đế chế Nga. Đám cháy khủng khiếp đã thiêu trụi phần lớn thành phố. Theo những người sống thời đó thuật lại, chỉ còn năm cung điện trong quần thể lộng lẫy của Prechistinka là nguyên vẹn sau hỏa hoạn. Trong đó có Bạch điện và Hồng điện — những di tích kiến trúc cuối thế kỷ XVII. Ngày nay, hai điện (nhà số 1 và số 1/2) là những tòa nhà lâu đời nhất trên phố Prechistenka.
Sau khi quân đội Pháp bị đánh đuổi, phố Prechistenka nhanh chóng được xây dựng và lấy lại dáng vẻ đài các. Kể từ nửa cuối thế kỷ XIX, những biệt thự tráng lệ của Prechistenka bắt đầu chuyển từ tay các gia đình quý tộc sa sút sang những nhà công nghiệp giàu có và thương gia. Các chủ nhân mới cũng mong muốn duy trì nếp sống sang trọng. Điền trang ở Prechistenka lần lượt được kiến thiết và trở nên bề thế, đồ sộ hơn trước. Bên cạnh xuất hiện những ngôi nhà đẹp cho thuê lại căn hộ mang phong cách trường phái Art Nouveau.
Thương gia Ivan Morozov, một nhà hảo tâm, người sưu tầm hội họa Nga và châu Âu, đã mua lại biệt thự quý tộc cổ kính (nhà số 21, phố Prechistenka) và sắp đặt thành nơi lưu trữ bộ sưu tập của ông. Các gian phòng trong biệt thự được mở rộng và biến thành phòng triển lãm. Vào năm 1914, bộ sưu tập của thương gia Morozov ước tính khoảng 250 bức tranh. Ông không tiếc tiền cho đam mê của mình, giới họa sĩ Pháp gọi ông là "người Nga không bao giờ mặc cả." Morozov muốn di trúc bộ sưu tập cho Moskva, nhưng cuộc cách mạng năm 1917 đã "điều chỉnh" kế hoạch: chính quyền Xô viết tịch thu cả tranh lẫn ngôi biệt thự.
Tòa nhà trở thành một bảo tàng nhà nước, còn chủ nhân cũ của các kiệt tác "may mắn" được bổ nhiệm làm người phó quản lý bộ sưu tập. Người ta phân cho gia đình ông ba gian nhỏ trong căn biệt thự. Vào mùa xuân năm 1919, thương gia đã rời khỏi Nga và hai năm sau ông qua đời ở Paris. Bộ sưu tập của thương gia Morozov được phân phối giữa các bảo tàng Hermitage St Petersburg và Mỹ thuật Moskva. Trong biệt thự cũ bố trí Học viện Mỹ thuật Nga.
Năm 1921, phố Prechistenka đổi thành Kropotkinskaya, họ của nhà cách mạng và lý luận gia thuyết vô chính phủ, công tước Piotr Kropotkin. Vị công tước này cũng là đại diện của một trong những gia đình quý tộc danh giá và lâu đời nhất nhì nước Nga. Tên gọi lịch sử trở về với "quí bà Prechistenka" vào năm 1994. Giữ gìn nét độc đáo, phố Prechistenka lưu lại cho người dân thủ đô hiện đại bóng dáng của một Moskva thời đã qua.