Đây là một trong những khách sạn thượng hảo hạng của thành phố, còn bản thân tòa nhà là công trình kiến trúc tuyệt vời, hình mẫu của phong cách "Art nouveau" — Nghệ thuật Hiện đại và là đại diện rực rỡ của thời kỳ gọi là "Thế kỷ Bạc" trong văn hóa Nga (cuối thế kỷ 19 — đầu thế kỷ 20).
Lịch sử của "Metropol" bắt đầu vào cuối thế kỷ 19, khi tại vị trí của khách sạn ba tầng cũ kỹ với nhà tắm hơi, công nghiệp gia nổi tiếng kiêm mạnh thường quân nghệ thuật Nga Savva Morozov quyết định xây dựng một trung tâm văn hóa-xã hội hoành tráng bậc nhất thời đó, với khách sạn, thư viện, nhà hàng, quán cà phê, sân vận động có mái che và gian hòa nhạc, mà kích thước vượt quá cả Nhà hát Opera Vienna lừng danh. Nhưng đáng tiếc là Morozov đã bị thất bại, không thể đưa công trình xây dựng trung tâm này đến mốc kết thúc. Phần hoàn thành thuộc về những người khác, và họ đã cắt giảm đề án đến mức kiến thiết khách sạn với nhà hàng mà thôi.
Lễ khai trương "Metropol" được tổ chức vào năm 1901. Đông đảo người dân Matxcơva kéo thành dòng lũ lượt tới chiêm ngưỡng "Tòa tháp Babilon của thế kỷ 20" — hồi đó, khách sạn đã đượcmệnh danh như vậy. Đó thực sự là tác phẩm kiến trúc và trang trí đồ sộ. Khách sạn được tô điểm bằng những bức phù điêu sang trọng, cột đá cẩm thạch uy nghi, mái vòm kính và những tấm bình phong độc đáo, mà người thực hiện là những họa sĩ-nghệ nhân nổi tiếng. Thêm nữa, tòa nhà khách sạn còn được trang bị những kỹ thuật tiên tiến nhất. Khắp xứ Nga chỉ duy có "Metropol" còn ngoài ra không một khách sạn nào ở Nga thời đó có thể tự hào vì đủ cả nước nóng, trạm cấp điện riêng, hệ thống quạt thông gió hiện đại, hiện diện thang máy, tủ lạnh và điện thoại. Không ngẫu nhiên mà "Metropol" được công nhận là một trong những khách sạn ưu việt nhất châu Âu, các căn phòng và nhà hàng luôn đầy chật những vị khách khó tính nhất.
Danh tiếng và độ hấp dẫn của khách sạn gia tăng liên tục mỗi ngày, thế nhưng ngay trước sinh nhật đầu tiên của nó, tòa nhà hứng chịu cơn hỏa hoạn do đám cháy từ một căn phòng lan ra. Cả tòa nhà đẹp đẽ chỉ còn lại những bức tường và mặt tiền, trong đó tấm panno vô giá được bảo toàn một cách kỳ lạ. Tưởng chừng như người Matxcơva sẽ chẳng bao giờ được thấy lại tòa tháp sang trọng và những bức phù điêu của "Metropol", nhưng các chủ sở hữu đã quyết tâm phục dựng khách sạn. Việc sửa sang xây cất kéo dài trong vòng 4 năm, và sau đó khách sạn đã mở cửa đón khách. Một lần nữa những đèn chùm lại sáng lóa, mái vòm kính lấp lánh. Rồi sau một năm nữa, trong "Metropol" khai trương rạp chiếu phim hai gian đầu tiên ở Matxcơva, trong nhiều năm dài luôn được dân thủ đô ưa thích lui tới.
Cứ như vậy cho đến năm 1917. Sau cách mạng, trong một thời gian ngắn khách sạn biến thành căn cứ của lực lượng phản cách mạng, rồi tiếp đến được chuyển vào tay chính phủ mới, là một trong những trụ sở của phái Bolshevik. Nhưng chỉ qua vài năm, đã có quyết định phục hồi khách sạn và trả lại cho nó qui chế vốn có. Metropol lại một lần nữa tỏa ánh hào quang thế nhưng bây giờ chỉ các vị khách nước ngoài có thể thưởng thức. Lối vào "Metropol" thành cửa cấm đối với công dân xô-viết, thậm chí họ còn không được ghé vào các nhà hàng và quán bar trong tòa khách sạn này.
Đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tòa nhà hào nhoáng một thời lâm vào tình trạng xuống cấp thảm hại. Khách sạn trông giống như một nhân vật già lão đã mất hết vẻ oai phong và niềm vinh hiển thời xưa. Khách sạn đóng cửa để cải tạo, và sau 5 năm, được tu bổ theo bản thiết kế cũ, nhưng với những trang thiết bị đạt tiêu chuẩn hiện đại nhất, và "Metropol" một lần nữa hồi sinh.
Hôm nay, cũng như trong thời hoàng kim, "Metropol" tiếp đón các vị khách từ khắp nơi thế giới. Những nghệ sĩ và nhạc công nổi tiếng luôn ưa chọn "Metropol" trong loạt các khách sạn hạng sang ở Matxcơva. Những căn phòng của khách sạn này đã ghi dấu lưu trú của Michael Jackson, Montserrat Caballe, Mstislav Rostropovich, Placido Domingo, Yves Saint Laurent, Elton John… Trong số các vị khách còn có các thành viên gia đình hoàng tộc, chính trị gia cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Nhưng "Metropol" không chỉ đơn thuần là một khách sạn. Tòa nhà này còn là một biểu tượng của Matxcơva, là niềm tự hào và đương nhiên là một phần trong lịch sử của thủ đô Nga.