Trong thời đại nhà Lý, với sự kiện Lý Thái Tổ cho xây cất Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử (1076), xem như là nho giáo đã được tiếp nhận chính thức tại Việt Nam.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, nho giáo đã coi phụ nữ ngang hàng với tiểu nhân, là loại bị khinh miệt, không đáng đếm xỉa. Theo Khổng Tử thì chỉ có đàn bà và tiểu nhân là hạng khó dạy. Khi ta gần thì họ nhờn, xa thì họ oán (Phụ nhân nan hoá). Vì vậy mới có một chế độ "trọng nam, khinh nữ" đã đày đọa dân tộc Việt Nam.
Từ định kiến này, mà cả hơn nghìn năm nay, số phận phụ nữ nước ta luôn bị đặt trong "gông cùm", bó buộc bởi định kiến và bị tước đi những quyền sống căn bản nhất. Phải từ bỏ những sở thích đời thường, hy sinh tất cả cho chồng con, là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị xâm hại nghiêm trọng tới thân thể, danh dự…
Ngày nay, vai trò của nữ giới đã được coi trọng. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã khẳng định các quyền của phụ nữ, điều 26 có nêu, "công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới."
Tuy nhiên, những vụ bạo lực gia đình vẫn diễn ra thường xuyên, những vụ án làm nhục nữ giới có vẻ như không giảm, để lại rất nhiều nước mắt, đau thương, mất mát cho gia đình và toàn xã hội.
Có vẻ như cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho chị em còn khá lỏng lẻo. Đâu chỉ có vậy, ngày nay phụ nữ Việt còn phải tìm mọi cách sang nước ngoài lấy chồng tây, tìm các cơ hội đổi đời, làm nô lệ tình dục, lao động trái phép, bị bóc lột bằng nhiều hình thức khác nhau…
Trong khi, với những đức tính sẵn có như sự chung thủy, thông minh, đôn hậu, chịu thương chịu khó, phụ nữ Việt hoàn toàn có thể làm chủ thế giới, không thua kém bất kỳ quốc gia nào.
Dù đằng sau những phẩm chất đó vẫn là những câu chuyện buồn, và làm thế nào để vị thế của phụ nữ được khẳng định trên trường quốc tế, vẫn cần một lời giải, một sự chung tay, một cái nhìn khách quan hơn của toàn thể xã hội Việt Nam.
Cũng không còn cách nào khác, trước tiên các chị em phải tự cứu lấy mình, các chị em phải tìm cách tự chủ về tài chính, độc lập về tình cảm, biết đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, thậm chí trong cả các vấn đề hôn nhân, tình dục…
Trước bối cảnh toàn cầu hóa, phụ nữ Việt Nam phải tìm cách vươn lên, khẳng định bản thân, khẳng định một thế giới mới, như cách nói của nhà văn Maxime Gorki: "Không có mặt trời thì hoa không nở, không có phụ nữ thì chẳng có tình yêu, không có bà mẹ thì cả anh hùng và nhà thơ cũng không có nốt."