Cả hai bên biên giới những ký ức về cuộc xung đột bị một đám sương mù bao phủ — vẫn chưa công bố số thương vong chính xác, các sử gia và các nhà khoa học chính trị vẫn không thể thống nhất ý kiến về việc chiến tranh đó là gì và bên nào đã giành chiến thắng trong năm 1979. Cuối tháng 2 năm nay, các phương tiện truyền thông lớn như báo "Thanh Niên", "VietNamNet" và "VnExpress" đã đăng tải bài viết dài với nhiều hình ảnh về cuộc chiến tranh năm 1979. Ý tưởng cơ bản — phải ghi nhận sự hy sinh của các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới năm 1979, phải nhắc để nhân dân nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh, nên đưa vào sách giáo khoa phổ thông những sự thật lịch sử.
Chiến tranh biên giới năm 1979 đã bắt đầu với việc quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người xâm nhập vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Các nhà sử học cho rằng, một trong những mục tiêu của Bắc Kinh là "dạy một bài học" cho Việt Nam, nước mới được thống nhất lại, vì Việt Nam đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia. Cuộc chiến dọc biên giới Việt- Trung đã kéo dài 30 ngày, sau đó quân đội Trung Quốc đã rút lui. Nhiều bản làng dọc biên giới phía Bắc Việt Nam đã bị tàn phá nặng nề. Ước tính có từ 20 nghìn đến 60 nghìn lính Trung Quốc và mấy chục nghìn người Việt Nam chủ yếu là dân thường đã thiệt mạng.
Cuộc chiến đó là đỉnh điểm của sự căng thẳng đã gia tăng trong quan hệ Trung-Việt trong khi làm rõ sự lựa chọn của Việt Nam trong cuộc đối đầu Trung-Xô có lợi cho Liên Xô. Và cả hai bên đều coi mình là người chiến thắng trong cuộc chiến biên giới. Việt Nam đã đánh đuổi bọn xâm lược và không rút quân đội ra khỏi Campuchia, còn Trung Quốc đã thực hiện nhiệm vụ "dạy một bài học". Đồng thời, Trung Quốc đã kiểm tra sự bền vững của liên minh Xô-Việt, và họ đã thấy rằng, hiệu ứng thực tế của nó không phải là quá độc hại đối với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Tất nhiên, ở Việt Nam các cựu chiến binh đều nhớ rõ cuộc chiến tranh đó, nhưng thế hệ trẻ thì biết rất ít. Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng mối quan hệ với các đồng chí Trung Quốc, và do đó cố gắng không đề cập đến chủ đề này. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã hoạt động rất tích cực trước ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới 1979, nhưng, vào những ngày đó chính quyền đã bắt giữ một số người cố gắng tổ chức những hoạt động tôn vinh các liệt sĩ tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh Lạng Sơn.
Chính phủ Việt Nam đang trong tình huống rất phức tạp. Một mặt, đối với họ Trung Quốc là một đối tác chính trị quan trọng nhất, trên thực tế không có sự lựa chọn thay thế mối quan hệ đó. Đồng thời, khi đối mặt với những hành động tích cực của Trung Quốc ở Biển Đông, người dân Việt Nam yêu cầu chính phủ có một phản ứng kiên quyết hơn. Phe đối lập lợi dụng thái độ thận trọng của ĐCSVN, mô tả thái độ như vậy như "hợp tác với địch", thổi phồng, khuếch đại các vấn đề nhạy cảm trong xã hội .
Ký ức lịch sử là một công cụ quan trọng nhất trong quá trình xây dựng nhà nước, và ban lãnh đạo Việt Nam biết rõ điều đó. Những cố gắng tẩy xóa ký ức lịch sử hiếm khi có tác động tích cực. Các chuyên gia ghi nhận rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có thể xây dựng cuộc đối thoại khá thẳng thắn và rộng rãi về vấn đề di sản chiến tranh. Mối quan hệ song phương đã bắt đầu bình thường hóa sau khi hai bên thảo luận về vấn đề nan giải đó. Bây giờ Trung Quốc và Việt Nam cũng cần phải thực hiện những bước đi như vậy. Đối với ĐCS Việt Nam đây là phương pháp tốt nhất để tôn vinh những người đã hy sinh và củng cố sự tin cậy đối với Trung Quốc, làm giảm khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa. Và Bắc Kinh, sau khi tham gia cuộc trò chuyện thẳng thắn về các sự kiện đó, sẽ có thể ảnh hưởng tích cực hơn đến bộ phận trong xã hội Việt Nam có nghi ngờ lớn nhất về hợp tác chặt chẽ Việt-Trung.