Trong thư, Chủ tịch quận Thanh Xuân đã đề nghị tổ chức, doanh nghiệp, người dân không chiếm dụng lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định. Đặc biệt, Chủ tịch quận Thanh Xuân đề nghị doanh nghiệp, người dân chủ động tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo, các hạng mục xây dựng không đúng quy định, bệ bục, vật dụng… gây ảnh hưởng đến sự thông thoáng của vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân bày tỏ mong muốn người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; không dừng, đỗ phương tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường sai quy định. Ông Nguyễn Xuân Lưu cho rằng để quận văn minh, sạch đẹp rất cần sự ủng hộ, đồng lòng của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân. Vì vậy, UBND quận Thanh Xuân đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bằng những hành động thiết thực của mình hãy giữ gìn mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Những chỉ đạo quyết liệt gần đây nhất của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung để "trả lại vỉa hè", dành chỗ cho người đi bộ đang được người dân Thủ đô phấn khởi đón nhận và hy vọng vào cách làm quyết liệt của Thành phố sẽ không thất bại như những lần trước đây.
Theo Chủ tịch UBND TP, quá trình lập lại trật tự vỉa hè của Hà Nội cũng sẽ thực hiện theo 3 bước.
Bước thứ nhất là tuyên truyền, ra thông điệp về chủ trương của Thành phố gửi đến từng hộ kinh doanh ngoài vỉa hè, trong đó gia hạn bao nhiêu ngày phải thực hiện tháo gỡ. Chủ tịch, phường, xã lập tổ công tác gồm công an, tổ dân phố đến từng gia đình tuyên truyền, thuyết phục. Như vậy là bước một ra thông điệp, ra yêu cầu thời gạn tháo gỡ, trong quá trình bán hàng không được bầy ra vỉa hè.
Bước hai là kiểm tra xem các hộ kinh doanh có thực hiện không. Hết hạn bước hai rồi mới thực hiện bước ba là bắt đầu cưỡng chế và xử phạt.