Đó là nhận định của chuyên gia quốc phòng Kyle Mizokami trong bài viết trên tạp chí National Interest hôm 4/3.
Theo phân tích của ông Mizokami, đối với Đài Loan, loại bom này sẽ xóa bỏ sự chệnh lệch trước một đối thủ vượt trội về số lượng. Còn đối với Trung Quốc, bom hạt nhân Đài Loan sẽ được xem là biến cố để khơi mào chiến tranh đối với vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là một tỉnh tạm thời bị tách rời của họ.
Được thúc đẩy từ thập niên 60 đến thập niên 80 của thế kỷ trước, các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Đài Loan cuối cùng đã phải bỏ dở do áp lực ngoại giao từ phía đồng minh quan trọng nhất của họ — đó là Mỹ.
Chương trình hạt nhân Đài Loan bắt đầu từ năm 1964, khi Trung Quốc thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên. Các nhà quan sát nước ngoài không mấy ngạc nhiên trước cuộc thử nghiệm này, nhưng với Đài Loan, nó đã khiến ác mộng của họ trở thành hiện thực.
Từ quan điểm của Đài Loan, kho vũ khí hạt nhân sẽ là chiến binh tối thượng để tự vệ. Ngay cả khi Mỹ "quay lưng" với họ thì vũ khí hạt nhân sẽ giúp Đài Loan ngăn cản Trung Quốc, không chỉ có sức mạnh răn đe đối với lực lượng hạt nhân Trung Quốc, mà cả lực lượng thông thường của nước này. Điều này sẽ có cơ hội thành công, bởi trên thực tế, chương trình mua sắm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã khiến Mỹ và Hàn Quốc phải lưỡng lự khi trả đũa những hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng.
Đài Loan bắt đầu chương trình bom hạt nhân vào năm 1967, dùng Viện nghiên cứu năng lượng hạt nhân (INER), trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan làm vỏ bọc. Năm 1969, Canada bán cho Đài Loan một lò phản ứng hạt nhân nước nặng để mở đầu cho ngành kinh doanh lò phản ứng sản xuất năng lượng thương mại mà họ kỳ vọng.
Thỏa thuận này diễn ra vừa kịp lúc, bởi chỉ 1 năm sau đó (1970), chính phủ thủ tướng Canada Trudeau đã công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Lò phản ứng này (được gọi là Lò phản ứng Nghiên cứu Đài Loan) đã đạt đến trạng thái phản ứng hạt nhân tự ổn định vào năm 1973, và Đài Loan bắt đầu thiết lập một kho plutonium cấp độ vũ khí.
Chương trình hạt nhân Đài Loan được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của Mỹ. Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng bom của Đài Loan sẽ vô duyên vô cớ làm Trung Quốc tức giận. Do đó, vào năm 1966, nước này đã tiến hành một số biện pháp ngăn cản chương trình bom của Đài Loan.
Năm 1975, CIA báo cáo "Đài Bắc đã tiến hành chương trình hạt nhân quy mô nhỏ với mục đích rõ ràng là chế tạo vũ khí, và họ sẽ đủ khả năng chế tạo được một thiết bị hạt nhân sau khoảng 5 năm hoặc hơn".
Cho tới trước thời điểm đó, Mỹ, Đức, Pháp, Na Uy và Israel đều tham gia hỗ trợ Đài Loan. Chương trình đã mua nước nặng (loại vật liệu có thể dùng để sản xuất plutonium) từ Mỹ và uranium từ Nam Phi. Trong giai đoạn 1976-77, khi tiến hành kiểm tra các hoạt động tại Viện nghiên cứu năng lượng hạt nhân do quân đội Đài Loan quản lý, IAEA đã phát hiện ra sự kỳ lạ trong chương trình của họ.
Tới năm 1976, Mỹ lên tiếng phản đối chương trình vũ khí hạt nhân. Đáp lại, chính quyền Đài Loan cam kết "từ nay về sau sẽ không tham gia vào bất cứ hoạt động nào liên quan đến tái chế (hạt nhân)". Thế nhưng, bất chấp lời cam kết này, năm 1977, Mỹ một lần nữa phát hiện các hoạt động đáng ngờ tại INER.
Sau khi bị bắt quả tang nhiều lần, chương trình vũ khí hạt nhân Đài Loan chuyển sang giai đoạn trì trệ. Trong giai đoạn giữa những năm 1980, chương trình này được khởi động lại nhưng sau đó, INER bị phát hiện đang xây dựng một cơ sở tái chế uranium — vi phạm cam kết mà Đài Loan đưa ra trong những năm 1970.
Tháng 12/1987, Đại tá Chang Hsien-yi — Phó Giám đốc của INER và là "chân trong" của CIA đã đào thoát sang Mỹ, mang theo bằng chứng về chương trình hạt nhân Đài Loan. Các tài liệu tuyệt mật được sử dụng để đối phó với chính quyền Đài Loan, buộc họ phải chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân vào năm 1988. Vào thời điểm Đại tá Chang đào tẩu, người ta cho rằng Đài Loan chỉ cần 1-2 năm nữa là sản xuất được bom.
Vậy Đài Loan đã tìm cách phát triển loại bom nào? Có 2 khả năng: vũ khí hạt nhân chiến thuật đương lượng nổ thấp và vũ khí hủy diệt thành phố với đương lượng nổ cao.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ hữu dụng khi tấn công các cảng, sân bay và cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc có thể sử dụng để tấn công Đài Loan. Nó có thể được lắp đặt trên Ching Feng — một loại tên lửa chiến thuật tầm ngắn có điểm tương đồng kỳ lạ với tên lửa Lance do Mỹ chế tạo.
Một khả năng khác, tồi tệ hơn nhiều là Đài Loan phát triển bom hủy diệt thành phố với kích cỡ lớn hơn. Họ có thể dùng loại bom này để trực tiếp đe dọa Bắc Kinh, đánh đổi sự hủy diệt của chính quyền Đài Loan với sự hủy diệt của chính phủ Trung Quốc. Đây sẽ là công cụ răn đe hiệu quả hơn vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Tuy nhiên, vượt qua khoảng cách 1.800 dặm để tấn công hạt nhân Bắc Kinh vào thời điểm đó là một điều Đài Loan không thể tự thực hiện được. Ngay cả Israel cũng không có công nghệ nào có thể hỗ trợ phát triển tên lửa tầm xa hoặc máy bay đủ khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân như vậy.
Mặc dù có thể hiểu được vì sao Đài Loan phát triển vũ khí hạt nhân nhưng đây vẫn là chương trình khó chấp nhận. Cuộc đối đầu hạt nhân giữa Đài Loan — Trung Quốc sẽ gây mất ổn định toàn bộ khu vực khi Đài Loan tìm kiếm vũ khí hạt nhân để củng cố vị thế quốc phòng của mình.
Vũ khí hạt nhân Đài Loan sẽ không thể giải quyết dứt điểm được vướng mắc quân sự nào; bất cứ cuộc tấn công nào cũng đều khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi các đợt phản công hạt nhân mà Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia quốc phòng Kyle Mizokami (San Francisco), từng cộng tác với Diplomat, Foreign Policy, War is Boring.
Nguồn: Thời đại