Ở đầu cuốn sách có bài tựa với tiểu sử chi tiết của tác giả — một trong những nhân vật mang tính biểu tượng không chỉ trong giới văn học, mà còn trong đời sống xã hội và chính trị của Việt Nam hồi những năm 30-60 thế kỷ trước.
Có một câu tiếng Pháp: "Traduire, c'est trahir", nghĩa là "Dịch thuật là Phản bội". Thật vậy, đôi khi người dịch tác phẩm văn học chỉ quan tâm đến sự hòa âm và các quy tắc trong ngôn ngữ của mình, kết quả là bản dịch xa rời văn bản gốc. Đôi khi dịch giả thay thế những thực tế của đất nước được mô tả trong tác phẩm bằng những thực tế dễ hiểu đối với người đọc ở đất nước mình.
Trong trường hợp với truyện "Lạnh lùng" đã không xảy ra như vậy. Hai dịch giả — hai nhà Việt Nam học của Nga Maxim Syunnerberg và Evghenia Marchenko có thái độ cẩn thận, chu đáo đối với văn bản gốc, cố gắng phản ánh các đặc điểm của ngôn ngữ văn học Việt Nam, mô tả chi tiết thực tế cuộc sống Việt Nam thời xưa.
Trong cuốn sách này ngoài bản dịch tiếng Nga còn có hai trăm ghi chú của người dịch. Trước đây trong ngành Việt Nam học của Nga, những ghi chú chi tiết như vậy chỉ có thể được thấy trong bản dịch những công trình khoa học, ví dụ — bộ sử biên niên Đại Việt sử ký toàn thư, và chưa bao giờ có được trong bản dịch tác phẩm văn học.
Những ghi chú của người dịch có thể được gọi bách khoa toàn thư của cuộc sống, truyền thống và tâm lý của người Việt. Ngay cả trên mạng Internet không có nguồn nào giới thiệu chi tiết như vậy về các thủ tục khá phức tạp của lễ cưới người Việt, về trang phục cho cô dâu và chú rể. Hoặc về lịch sử cột cờ ở nhà rông và ngôi chùa Phật giáo, về hội chứng sợ ma vẫn còn là một nỗi sợ rất bình dân của người Việt. Qua các ghi chú, độc giả Nga có thể biết về hai đơn vị tiền tệ tồn tại ở Việt Nam thời Pháp thuộc, về lịch sử 900 năm khoa cử với 2 kỳ thi quan trọng bậc nhất. Và thậm chí về nghi thức "lễ lại mặt" với cái đầu lợn bị cắt lỗ tai có hàm ý muốn trả lại cô dâu cho nhà gái vì đã thất tiết. Chắc là hiện nay ngay cả ở Việt Nam không có nhiều người biết rằng công ty đầu tiên cho thuê xe cưới thương hiệu "Citroen" đã mở cửa tại Hà Nội trên đường phố Hàng Bông vào năm 1930!
"Việc nghiên cứu các tác phẩm văn học — tác giả của dự án "Phụ nữ Việt Nam: vai trò và vị trí trong lịch sử và đời sống xã hội và chính trị đương đại " nhà Việt Nam học Maxim Syunnerberg nhận xét, — cung cấp khả năng mở rộng hiểu biết về lịch sử đất nước, về tâm lý xã hội và tâm lý của những cá nhân. Nhờ các tác phẩm văn học, nhà sử học có thể khám phá ra những phương pháp khác nhau nhận thức thế giới, những thói quen và ý thức của công chúng tác động đến hành động của con người ở những thời đại khác nhau."
Sau cuốn tiểu thuyết "Lạnh lùng" sẽ có nhiều tác phẩm văn học khác của Việt Nam được dịch ra tiếng Nga, mỗi tác phẩm sẽ có những ghi chú chi tiết. Các tác phẩm này đều nói về "vấn đề phụ nữ" và mối quan hệ gia đình ở những giai đoạn khác nhau của lịch sử Việt Nam.