Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo này trên Biển Đông. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tiếp tục quấy nhiễu các tàu thương mại và tàu hải quân của Philippines và Malaysia… bằng cách sử dụng lực lượng dân quân biển làm lực lượng chiến đấu ủy nhiệm và các phương tiện chiến tranh lai hoặc xung đột vùng xám khác.
Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi lấp trái phép các bãi đá nửa chìm nửa nổi thành đảo nhân tạo phi pháp có các đường băng để triển khai máy bay tấn công, hệ thống phòng không tầm xa và hỏa lực, những khả năng này sẽ tạo ra mối đe dọa chống tiếp cận tới các nước mà Trung Quốc tìm cách loại ra khỏi khu vực của cái gọi là "đường chín đoạn" ngang ngược.
Các nước bao quanh Biển Đông coi các hành vi của Trung Quốc là phi pháp, gây mất ổn định và đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia. Một số đảo bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô lý, ngang ngược nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. Biển Đông là tuyến đường vận chuyển quan trọng về mặt kinh tế, hàng năm có khoảng 30% thương mại hàng hải toàn thế giới đi qua vùng biển này, trong đó có khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa của thị trường Mỹ.
Nếu xảy ra khủng hoảng, quân đội Trung Quốc với lực lượng hải quân và không quân có thể phá hoại dòng vận chuyển thương mại tự do qua khu vực và buộc các nước khác trong khu vực phải công nhận sự thống trị (phi pháp) của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước tình hình đó, Mỹ có một số lựa chọn hành động nhất định.
Lựa chọn 1: Tận dụng các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn Trung Quốc thông qua việc thiết lập một tổ chức an ninh tập thể, tương tự như Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) đã ngừng hoạt động. Tổ chức này sẽ tạo lập khả năng răn đe nhằm mục đích ngăn chặn sự phiêu lưu của Trung Quốc và thay đổi các tính toán chiến lược của Bắc Kinh trong việc xây dựng đảo (trái phép) trong tương lai.
Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có nguy cơ khiến Trung Quốc coi nỗ lực ngoại giao này là nhằm cô lập Trung Quốc trong việc ngăn chặn công khai và đáp trả theo nhiều cách với nhiều phương tiện. Những nước bị nguy hiểm nhất sẽ là những nước mà Trung Quốc cho rằng sẽ dễ bị đe dọa, dễ bị tách khỏi tổ chức và hủy hoại tính chính danh của Mỹ.
Ngoài ra, lựa chọn này cũng có nguy cơ gặp thất bại ngay lập tức nếu các đối tác có vai trò quan trọng tới sự thành công của tổ chức an ninh tập thể không tham gia, đặc biệt là Úc, Phillippine, Singapore và Indonesia. Lựa chọn này cũng có thể sẽ lỗi thời nếu Trung Quốc hoàn thiện việc xây dựng và đóng quân trên các hòn đảo nhân tạo xây dựng trái phép mà nước này cần để khẳng định quyền thống trị hoàn toàn trên Biển Đông trước khi liên minh kịp đối trọng lại Trung Quốc.
Tất nhiên, lựa chọn này cũng mang lại cho Mỹ những lợi ích nhất định. Mỹ có thể kiểm tra sự trỗi dậy của một đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể đạt được sự hợp tác an ninh và quan hệ kinh tế với các nước trong tổ chức an ninh tập thể này.
Lựa chọn 2: Sử dụng một ý tưởng đa lĩnh vực. Mỹ và các nước đồng minh sẽ tạo dựng thách thức chống tiếp cận đối với Trung Quốc dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai để loại bỏ những lợi thế chiến đấu và chiến thuật của các căn cứ của Trung Quốc trong khu vực.
Toàn bộ khu vực duyên hải của Trung Quốc rất dễ bị tổn thương trước khu vực chống tiếp cận này. Cơ sở vững chắc về khả năng cơ động, hỏa lực và khả năng bền vững của quân đội Mỹ sẽ cho phép hải quân và không quân Mỹ tác chiến một cách hiệu quả hơn trong khu vực, đồng thời tạo ra thêm một thế lưỡng nan khi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ có khả năng tấn công các cơ sở then chốt của Trung Quốc.
Việc phòng thủ liên chuỗi đảo này thông qua biện pháp răn đe chống tiếp cận sẽ cần một lối tiếp cận mở rộng tới các căn cứ hiện nay ở Nhật Bản với sự triển khai mới tại Philippine, Malaysia và Indonesia. Mỹ có thể sử dụng một lực lượng thường trực hoặc luân phiên trong khu vực để thể hiện khả năng và quyết tâm của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ phải có đủ lực lượng trong khu vực để phong tỏa Trung Quốc không cho di chuyển qua khu vực eo biển Malacca nếu cần.
Nguy cơ chính của lựa chọn này là có thể kích động một cuộc leo thang toàn diện. Một sự cố nhỏ có thể leo thang rất nhanh và ảnh hưởng đến các khu vực xung đột khác thuộc vùng trách nhiệm của Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, chẳng hạn như Triều Tiên. Một nguy cơ khác nữa là mất quyền tiếp cận tới các căn cứ đóng trú tại các nước trong khu vực, điều này sẽ khiến lựa chọn trên không thể thực hiện được. Ngoài ra, việc huy động đủ nhân lực hỗ trợ cho chiến lược chống tiếp cận sẽ đòi hỏi sự tham gia của phần lớn nguồn lực có hạn của Mỹ như phòng không và hỏa lực phối hợp tầm xa.
Tất nhiên, lợi ích mà Mỹ có thể đạt được sẽ là ngăn chặn được xung đột thông qua việc đưa các tài sản của Trung Quốc vào vòng nguy hiểm, cả trên Biển Đông và trên phần lớn diện tích biển của Trung Quốc. Ngoài ra, lựa chọn này còn đặt ra một tình thế lưỡng nan nữa cho Trung Quốc nếu nước này cố sử dụng lực lượng dân quân hoặc áp dụng chiến tranh lai để đối phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Mỹ và các nước đồng minh có khả năng ngăn chặn cuộc chiến tranh lai ở cấp độ chiến thuật và chiến dịch.
Nguồn: baomoi