Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 về cuộc chiến đấu bi hùng này.
"Thà hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho biển đảo"
Phóng viên: Ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc đã xua quân đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Đã 29 năm trôi qua, thưa Trung tướng, ông nhìn nhận gì về sự kiện này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây là một cuộc chiến bi hùng của 64 chiến sĩ đối với sự nghiệp bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta phải xem cuộc chiến ở Gạc Ma là biểu tượng của lòng yêu nước; của sự dũng cảm, bất khuất, kiên gan, là sự hy sinh vô bờ bến trong cuộc chiến bảo vệ đảo — chúng ta thà hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ biển đảo của mình!
Đây cũng là một cuộc chiến mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến, nhất là khi Trung Quốc là người anh em, núi liền núi, sông liền sông lại có thể đem quân chiếm đảo Gạc Ma, nổ súng tấn công khiến 64 chiến sĩ chúng ta hy sinh. Nhất là khi sự kiện này xảy ra không lâu sau chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam...
Từ chiến tranh biên giới phía Bắc, đến sự kiến Gạc Ma, ở góc nhìn của một nhà quân sự, theo Trung tướng chúng ta cần phải rút ra những bài học lớn nào?
Bài học rất quan trọng là chúng ta không được ngủ quên trong hòa bình. Bởi cảnh giác trước các mưu đồ luôn luôn là bài học quan trọng nhất sau cuộc chiến Gạc Ma.
Đồng thời, cùng với phát triển kinh tế, chúng ta không được bao giờ để quên nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng Quân đội vững mạnh từ hải quân, không quân, tên lửa, tàu ngầm,… để không bị động trước bất kỳ sự toan tính nào của các thế lực đang mưu đồ xâm lấn biển, đảo của chúng ta.
Đưa cuộc chiến Gạc Ma vào sách giao khoa
Thưa Trung tướng, làm thế nào để giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về cuộc chiến này để từ đó hun đúc thêm lòng yêu nước, ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc?
Muốn hay không muốn thì lịch sử là lịch sử, không thể khác được!
Tôn trọng sự thật lịch sử và nhìn lại lịch sử là để nhắc nhớ chúng ta những bài học kinh nghiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo; nâng cao cảnh giác trước các thế lực thù địch, và giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về sự hi sinh anh dũng của ông cha ta để bảo vệ từng tấc chủ quyền của Tổ quốc.
Để giáo dục giới trẻ hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh của cha ông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, tôi nghĩ cần phải đưa cuộc chiến Gạc Ma, cũng như sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc vào trong sách giáo khoa với dung lượng lớn hơn nữa. Đồng thời có nhiều kênh thông tin hơn để giúp các thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về những trang sử bi hùng của dân tộc, nhắc con cháu chúng ta luôn luôn ý thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mình.
Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển đông suốt thời gian qua, chúng ta cần có bước đi cụ thể gì để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thưa Trung tướng?
Chúng ta vẫn phải kiên trì với con đường đấu tranh hòa bình nhưng phải là đấu tranh quyết liệt bằng các biện pháp pháp lý, bằng sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam phải kiên quyết lên tiếng vì Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền lãnh thổ hợp pháp và thiêng liêng của chúng ta.
Điều cốt lõi là cả dân tộc Việt Nam, không phải chỉ nói lời mà phải bằng hành động cụ thể, mọi người đều phải thấy rằng Hoàng Sa, Trường Sa chính là tồn vong của đất nước. Ý thức chủ quyền phải luôn được gìn giữ, bởi phải nhận thức rằng việc đòi lại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm là cả một hành trình dài của dân tộc và đừng bao giờ chán nản vì điều đó.
Chúng ta phải ghi nhớ rằng, một nghìn năm Bắc thuộc trước đây, tổ tiên ta ngày xưa, cô độc như vậy, đói khổ như vậy, lạc hậu như vậy mà một nghìn năm vẫn không bị đồng hóa, dám kiên trì đấu tranh để giành lại độc lập. Không có lý do gì chúng ta lại không đứng vững trong "cuộc chiến" trường kỳ này.
Bối cảnh quốc tế hiện nay đã có nhiều thay đổi, thế giới là một mái nhà chung. Việt Nam cần phải đoàn kết với các nước trên thế giới, đồng lòng, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các hành động đe dọa từ bất cứ thế lực nào.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Nguồn: baomoi.com