Mọi thiết bị điện tử bao gồm cả máy tính xách tay, thiết bị đọc sách điện tử, và ngay cả điện thoại di động có kích thước chiều dài hơn 16 cm, chiều rộng — 9,3cm, và độ dày — 1,5 cm, hiện giờ không thể mang lên khoang máy bay, mà cần phải để trong hành lý gửi qua kiểm tra. Việc cấm vận chuyển các thiết bị điện tử trong máy bay dựa trên lý do biện pháp an ninh, nhưng nó thích hợp đến mức nào về mặt đạo đức đối với hành khách và hợp lý đến đâu về mặt kinh tế? Có thể tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề này và nhiều câu hỏi khác trong cuộc phỏng vấn của Sputnik với Kyle Wiens, Giám đốc điều hành công ty iFixit chuyên bán phụ tùng thay thế cho một loạt thiết bị điện tử.
"Liệu lệnh cấm này có thể ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố được hay không? Tôi không biết. Có lẽ, hai cơ quan tình báo Mỹ và Anh đã nhận được thông tin rằng bọn khủng bố đang chuẩn bị cuộc tấn công tương tự như vụ khủng bố xảy ra ở Somalia vào tháng Hai năm 2016. Đúng là trong thiết bị điện tử cầm tay có thể giấu một quả bom. Vị trí hợp lý nhất cho việc này là ngăn chứa pin. Vấn đề là ở chỗ trên màn hình máy quét, cả chất nổ, và cả pin lithium sẽ trông giống như một vệt đen lớn. Rõ ràng, họ hy vọng sẽ ngăn chặn được cuộc tấn công như vậy",- Kyle Wiens nhận xét lệnh cấm vận chuyển các thiết bị điện tử ở Anh và Mỹ.
Sputnik: Một số người nói rằng lệnh cấm là vô nghĩa bởi vì hành khách bay từ Trung Đông, vẫn có thể nhập cảnh vào Mỹ khi mua vé của các chuyến bay chuyển tiếp.
"Vâng, bạn nói đúng, có thể tránh lệnh cấm bằng cách di chuyển từ Raqqa đến Tunisia và từ đó bay tiếp, là một ví dụ. Vấn đề là các hãng hàng không sẽ phải chịu tổn thất rất lớn. Ví dụ, tôi sẽ không mua vé chuyến bay, mà trên đó tôi không thể làm việc bằng máy tính của mình. Tôi không biết có bao nhiêu người đi công tác sử dụng máy tính xách tay. Tôi cho rằng khoảng 30-40 phần trăm. Đó là một số lượng người rất lớn. Mức thiệt hại kinh tế từ việc ngăn cấm này có thể so sánh với thiệt hại kinh tế từ vụ khủng bố. Các nhà chức trách ở đây đã đi đến thỏa hiệp: để giảm thiểu thiệt hại tài chính họ đã đưa vào danh sách các nước tương đối nguy hiểm, tôi không chắc chắn rằng đây là một sự thỏa hiệp đúng đắn, có thể, những kẻ khủng bố chỉ đơn giản là sẽ chọn con đường khác ".
Theo ý kiến của Kyle Wiens, lệnh cấm trên đây có thể được xem là "sự tiếp nối của lệnh cấm nhập cảnh vì nó áp dụng cho các quốc gia với dân số chủ yếu là người Hồi giáo". Và mối quan ngại không thể coi là thiếu cơ sở vì ngay sau lệnh cấm của Mỹ, Vương quốc Anh cũng áp dụng biện pháp này và sắp tới Canada cũng có thể tham gia.