Trong chiến dịch tranh cử, bà Lâm nói rằng, nhiệm vụ ưu tiên của bà là đoàn kết lại xã hội mà bây giờ Hồng Kông đang bị phân cực và chia rẽ nghiêm trọng. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Andrey Karneev, Phó Giám đốc Viện các nước châu Á và châu Phi, thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva (MGU), bình luận về tình hình chính trị tại Hồng Kông sau cuộc bầu cử.
Bắc Kinh lo ngại về việc phong trào thanh niên cực đoan đòi quyền lực địa phương (Localism) đang hoạt động ngày càng tích cực ở Hồng Kông. Phong trào này đã ra đời sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ vào năm 2014. Vì thế, ý tưởng xây dựng sự đồng thuận trong xã hội Hồng Kông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bà Lâm. Trong bài phát biểu đầu tiên sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, bà Lâm tuyên bố: "Hồng Kông — ngôi nhà chung của chúng ta —đang phải vượt qua những khó khăn do những bất đồng nghiêm trọng và rất nhiều mâu thuẫn. Ưu tiên của tôi sẽ là vượt khỏi sự chia rẽ và đoàn kết lại xã hội chúng ta để tiến lên phía trước, ". Bà Lâm hứa sẽ gặp gỡ với đại diện các lực lượng chính trị khác nhau để tìm ra một cơ chế tham vấn thường xuyên.
Một mặt, bà Lâm đã đắc cử với số phiếu áp đảo. Bà giành được 777 phiếu, hơn hẳn đối thủ chính của bà là ông Tăng Tuấn Hoa được 365 phiếu. Ứng viên còn lại trong cuộc đua tam mã là cựu thẩm phán Hồ Quốc Hưng chỉ nhận được 21 phiếu. Phe đối lập đã chỉ trích bản thân thủ tục bầu đặc khu trưởng. Trong thời gian bỏ phiếu đã có nhiều cuộc biểu tình quần chúng, những người tham gia đòi dân chủ hóa quyền bầu cử và phản đối Bắc Kinh can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông.