Phát biểu tại hội thảo, ông Chiến cho biết với chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020, hạ tầng công nghệ vũ trụ đã nhận được đầu tư lớn của chính phủ và đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu, ứng dụng.
Bên cạnh nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam bước đầu được hình thành, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo được một số mô-đun cho thiết bị trạm mặt đất, vệ tinh siêu nhỏ…
Hiện nay, có thể đánh giá Việt Nam đã nằm trong nhóm đứng đầu các nước Đông Nam Á về công nghệ vũ trụ, bao gồm cả việc ứng dụng công nghệ vũ trụ, vệ tinh vào các lĩnh vực kinh tế — xã hội, bao gồm cả viễn thông, viễn thám.
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia đến từ nhiều viện nghiên cứu thuộc các bộ NN&PTNT, Tài nguyên Môi trường… cho biết các công nghệ viễn thám đã được ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên môi trường như dự báo sớm mưa bão, lũ quét, trượt lở đất và các loại thiên tai khác, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, định kỳ đánh giá biến động sử dụng đất đai…
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay khung pháp luật về công nghệ vũ trụ của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ.
Đồng thời Việt Nam cũng chưa đủ nền tảng pháp lý để tham gia các điều ước, công ước quốc tế về các hoạt động thăm dò, khai thác không gian vũ trụ.
Nguồn: Tuổi Trẻ