Phải chăng đây là cuộc tập kích bất ngờ?
Về đòn tấn công trực tiếp của Mỹ vào căn cứ của quân đội Syria, nói chung có hai luồng ý kiến khác nhau.
Một luồng ý kiến cho rằng đây là biện pháp quân sự hoàn toàn bất ngờ của Mỹ nhằm trừng phạt hành động của quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công "các lực lượng đối lập". Vì thế, những người ủng hộ luồng ý kiến này cũng tán thành quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc không kích vào Syria.
Chuyên viên Lê Thế Mẫu nhận định, ý kiến này không phản ánh thực chất những gì diễn ra ở Syria trong những ngày qua bởi hiện nay chưa có bất cứ bằng cớ nào chứng tỏ quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, do đó cần tiến hành điều tra xác minh dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
Chuyên viên Lê Thế Mẫu ủng hộ hướng quan điểm này bởi mấy lý do sau.
Một là, mục tiêu chiến lược toàn cầu của các thế lực cầm quyền thực sự ở Mỹ những năm gần đây, dù bất cứ Tổng thống nào, đều là nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và dựng lên ở Syria một chính thể bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ ở Trung Đông, vốn luôn là địa bàn có ý nghĩa địa chính trị cực kỳ quan trọng.
Hai là, những động thái gần đây chứng tỏ chính quyền mới ở Mỹ không thực sự chống khủng bố ở Syria như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố mà vẫn là núp dưới khẩu hiệu "chống khủng bố" để tăng cường sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở Syria.
Ba là, hành động leo thang quân sự mới của Mỹ ở Syria tổ chức theo một kịch bản hoàn hảo, trong đó "sự cố vũ khí hóa học" chỉ là lý do mà Mỹ đưa ra. Từ trước hôm nay, ngay sau sự kiện này, căn cứ vào tuyên bố của các chính khách ở Washington, dư luận có thể dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ vin vào sự cố chưa hề xác minh để triển khai hành động quyết liệt ở Syria.
Có lẽ cũng không ngẫu nhiên mà vụ không kích của Mỹ ở Syria diễn ra đúng vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm Mỹ. Chúng ta biết rằng, Trung Quốc luôn ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, do đó Mỹ muốn thăm dò phản ứng của Bắc Kinh thông qua vụ không kích này.
Hậu quả từ vụ tấn công của Mỹ ở Syria
Chuyên viên Lê Thế Mẫu phân tích những hệ lụy sau sự kiện Mỹ bắn tên lửa vào Syria. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng tên lửa hành trình không kích căn cứ của quân đội Syria chắc chắn để lại hậu quả rất tiêu cực với tình hình thế giới nói chung và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria nói riêng.
Một là, phá hoại niềm tin chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và Nga, trong việc thiết lập một trật tự thế giới mới.
Ba là, tạo điều kiện cho nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) cũng như các tổ chức khủng bố khác ở Syria tăng cường lực lượng và bố trí lại thế chiến lược nhằm phản công lại lực lượng chống khủng bố của Syria, Nga và Iran.
Bốn là, phủ nhận nỗ lực và vai trò to lớn của Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố suốt hơn 6 năm qua nhằm giúp thế giới loại bỏ hiểm họa này ra khỏi đời sống quốc tế.
Năm là, đánh lạc hướng dư luận về sự bế tắc và sa lầy của liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Mosul- thành trì quan trọng của IS ở Iraq.
Sự kiện Vịnh Bắc bộ tái diễn ở Syria
Cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria là thêm một minh chứng nữa về công nghệ gây chiến xâm lược của bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ. Đó là, Mỹ đã ngụy tạo ra đủ loại nguyên cớ khác nhau để biện minh cho hành động xâm lược các quốc gia có chủ quyền.
Người Việt Nam cũng như thế giới hẳn chưa quên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" hồi tháng Tám 1964, khi Mỹ dựng lên câu chuyện hoang đường rằng Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Mượn cớ như vậy, Hoa Kỳ đã phát động cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc nhất trong lịch sử nhằm vào các mục tiêu dân sự trên lãnh thổ Việt Nam DCCH. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã phải chuốc lấy thất bại thảm hại.
Sau Chiến tranh Lạnh, khi không còn sự tồn tại của Liên Xô — yếu tố kiềm chế các kế hoạch phiêu lưu chiến tranh của Mỹ —, các đời Tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp nhau đều liên tục gây chiến tranh xâm lược theo công nghệ kiểu Mỹ quen thuộc là ngụy tạo cớ để phát động chiến tranh, không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an và vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ.
Năm 1991, Tổng thống Mỹ G.Bush (cha) phát động chiến tranh xâm lược Iraq sau khi đưa Tổng thống Iraq Saddam Husein rơi vào bẫy "thôn tính Kuwait". Đây là Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1.
Năm 1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton phát động chiến tranh xâm lược Nam Tư nhân danh "bảo vệ nhân quyền", lấy cớ "nhân quyền cao hơn chủ quyền". Để tạo cớ này, các nước NATO vu vạ "Tổng thống Nam Tư Milosevich vi phạm nhân quyền khi đàn áp dã man người dân Nam Tư gốc Anbani ở Kosovo".
Năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama — người được trao Giải Nobel Hòa Bình — ngay sau khi "chân ướt chân ráo" bước vào Nhà Trắng đã phát động chiến tranh Libya mượn cớ "thiết lập vùng cấm bay" và sau đó tiếp tục dính líu vào cuộc chiến tranh ở Syria với cớ "chống khủng bố".
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ mới cầm quyền chưa được 3 tháng, đã phát động chiến tranh xâm lược Syria dưới cái cớ ngụy tạo là "quân đội Syria tấn công bằng vũ khí hóa học vào lực lượng đối lập" trong khi LHQ đang trong quá trình điều tra, còn phía Nga cho biết quân đội Syria đã tấn công hủy diệt kho vũ khí hóa học của quân khủng bố, chứ không phải là sử dụng vũ khí hóa học tấn công "lực lượng đối lập" như Mỹ rêu rao.
Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố rằng việc Mỹ dùng tên lửa không kích Syria là hành vi xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền, vi phạm những tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, và dựa trên cái cớ không đúng sự thật.
Chuyên viên Việt Nam Lê Thế Mẫu tán thành nhận định của nhà lãnh đạo Nga và nhấn mạnh rằng diễn biến sự kiện mới phản ánh rõ bản chất hành động quân sự của Mỹ ở Syria và Trung Đông hiện nay cũng như trong quá khứ gây hấn xâm lược chưa xa trước đây.