Hiện nay, tại hai khu vực khác nhau của thế giới đang phát triển song song hai cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị rất nguy hiểm — xung quanh Syria và Bắc Triều Tiên. Tình hình như hiện nay là chưa từng có do chính quyền Mỹ hoàn toàn thay đổi mô hình hoạt động và cách phản ứng với các cuộc khủng hoảng. Những ngày gần đây, Washington đã vi phạm mọi quy tắc bất thành văn hình thành đã gần 55 năm kể từ sau khủng hoảng vịnh Caribe. Thậm chí nếu có thể ổn định tình hình ở Syria và Bắc Triều Tiên bằng các công cụ chính trị thì hậu quả những gì đã xảy ra đối với nền chính trị toàn cầu và sự ổn định chiến lược vẫn sẽ là vô cùng tiêu cực.
Trong trường hợp Syria cũng như Bắc Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ đã thể hiện sự thay đổi hoàn toàn đường lối chỉ trong vài tuần lễ. Về Syria họ hành động mâu thuẫn với nhiều tuyên bố đã được ông Trump thực hiện như ưu tiên chống ISIL và không đòi lật đổ chế độ. Trong trường hợp Bắc Triều Tiên, hồi tháng Ba họ mới tuyên bố từ chối học thuyết "kiên nhẫn chiến lược" đối với đất nước này nhưng ngay đầu tháng Tư đã thể hiện áp lực vũ lực gay gắt, thậm chí không cần một sự nghiên cứu và thảo luận chiến lược mới.
Chúng ta thấy tuyên bố của ông Trump sẵn sàng "tự lực giải quyết" vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và các rò rỉ thông tin mâu thuẫn trên truyền thông có dẫn nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ. Có tin nói Mỹ sẵn sàng tấn công lập tức Bắc Triều Tiên nếu Trung Quốc không chịu phong tỏa kinh tế nước này, hoặc tin nêu sự ưu tiên hàng đầu cho nỗ lực giải pháp chính trị.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chiến dịch điên cuồng chống sự "ảnh hưởng của Nga", Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Kislyak gần như bị biến thành siêu điệp viên, các cuộc gặp với ông có thể chấm dứt sự nghiệp bất cứ chính trị gia người Mỹ. Những kênh liên lạc đáng tin cậy để thảo luận vấn đề nhạy cảm được trân trọng duy trì từ thười Chiến tranh Lạnh giờ đây đã bị phá hủy.
Trong bối cảnh cuộc tấn công bất ngờ vào Syria và những phát biểu hiếu chiến lộn xộn của Washington, các qui luật và nguyên tắc cũ không còn có hiệu lực. Nhưng chính quyền của ông Trump dù chưa được hình thành hoàn chỉnh, không có chiến lược rõ ràng và chưa dàn xếp phối hợp bên trong các cơ quan, dường như lại cố gắng đạt những kết quả cương quyết và chớp nhoáng bằng bước hành động đe dọa được phác thảo vụng về.
Ở thời điểm này, khó dự đoán các hướng tình hình. Ông Trump và những người gần gũi ngưỡng mộ Reagan, có lẽ họ muốn lặp lại thành công của cựu tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược của Reagan tuy mạo hiểm nhưng khá chặt chẽ và được thực hiện bởi một ê-kíp có năng lực. Những động thái mạo hiểm hôm nay không những nguy hiểm, chúng còn lộn xộn, có nguy cơ đẩy ông Trump vào vị thế thảm họa trong nền chính trị nội địa.
Hình thái chính sách mới của Mỹ và mối đe dọa tái diễn các hành động khó lường và nguy hiểm sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng. Các đối thủ quốc tế lớn như Nga, Trung Quốc và một số nước khác, sẽ phải thay đổi triệt để kế hoạch quân sự, điều đó kéo theo gia tăng sự nguy hiểm cho thế giới của chúng ta.