Năm 1939, để tiến hành Triển lãm nông nghiệp toàn Liên bang, theo lệnh của Iosif Stalin ở đây đã kiến thiết nên cả một thành phố nhỏ: trên diện tích 136 hec-ta bố trí 250 gian trưng bày, được bao quanh bởi các công viên, vườn hoa và đài phun nước.
Triển lãm được coi là bức tranh tổng thể mà chi tiết giới thiệu thành tựu kinh tế của Liên Xô, là minh họa sống động đầy màu sắc của "ước mơ xô-viết".
Thoạt đầu kiến trúc sư của tổ hợp triển lãm là ông Vyacheslav Oltarzhevsky. "Thị trấn" bắt đầu được xây dựng theo thiết kế của ông nhưng ngay sau đó mọi công việc bị ngưng lại: nhà kiến trúc sư bị cáo buộc "có tội phá hoại" và chịu cảnh lưu đày đến Siberia. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Theo một trong những giả thuyết, Oltorzhevsky đã lên kế hoạch để biến khu triển lãm thành một trung tâm tinh tú đầy huyền bí. Thiết kế của ông gợi nhớ đến Thái dương hệ: ở giữa là quảng trường chính — "Mặt trời", còn xung quanh là 9 tòa nhà trưng bày, tức là 9 "hành tinh". Người ta khẳng định rằng dường như trong những cấu trúc này Oltarzhevsky đã ngầm mã hóa bao ký hiệu huyền bí của tôn giáo phương Đông cổ đại. Kiểm tra là chuyện không thể, đơn giản bởi vì Stalin đã ra lệnh phá hủy tất cả các khung nhà. Những gian triển lãm được các chuyên viên kiến trúc khác dựng lên theo cách mới, qui mô lớn hơn và vượt xa cả đề án thần bí. Oltarzhevskaya chỉ được tha tù vào 6 năm sau. Ông đã sống một cuộc đời dài lâu, nhưng không lần nào đặt chân đến tổ hợp triển lãm mà thời nào đó ông từng thiết kế.
Triển lãm Nông nghiệp toàn Liên bang khai trương vào tháng Tám 1939. Ngay lối vào, chào đón các vị khách là tác phẩm điêu khắc "Công-nông liên minh" hoành tráng cao 24 mét. Theo thời gian, kiệt tác này của nghệ thuật tượng đài Liên Xô đã trở thành một trong những biểu trưng rực rỡ nhất của thời kỳ Xô-viết.
Ở trung tâm của tổ hợp triển lãm Gian trưng bày chính — tòa nhà uy nghi màu trắng với những hàng cột hùng vĩ được trang trí quốc huy của Liên Xô và 15 nước Cộng hòa Xô-viết. Mỗi nước Cộng hòa đều có các gian trưng bày của mình, phần nhiều giống như tòa cung điện. Dạo bước đi thăm những tòa nhà này, các vị khách dường như được du ngoạn khắp Liên Xô, từ vùng biển phía Bắc cho đến khu vực Trung Á, từ biển Baltic cho đến Thái Bình Dương.
Đất nước rộng lớn giới thiệu với thế giới những thành tựu kỳ vĩ của mình. Trên khu đất diện tích kích thước 20 hec-ta trồng gần 600 giống cây ngũ cốc, bông, lúa, củ cải đường và cây lanh. Trong khu vườn của Triển lãm mọi khách thăm thỏa sức ngắm vô số cây ăn quả. Trong gian "Chăn nuôi" phô trương hàng đàn ngựa, cừu, lợn và dê.
Lôi cuốn sự chú ý của mọi người là Gian Moskva (hiện nay là Tòa nhà № 59). Mặt tiền tòa nhà được trang trí hình đắp nổi nhô cao, thể hiện những người nông dân, thợ vắt sữa, thợ lái máy kéo mỉm cười tươi vui. Vây quanh họ là những con gia súc béo tốt, những bó lúa mì, hàng núi trái cây và rau tươi — bức tranh thế giới bình dị và viên mãn của các nông trang viên tập thể những năm 1930. Tuy nhiên, cảnh khá giả no đủ ấy khá xa thực tế: vào thời gian đó, sự sung túc của nhà nông chỉ là ước mơ phi thực.
Triển lãm Nông nghiệp đã thành công rực rỡ: trong vòng ba tháng nơi đây đón hơn 3,5 triệu người đến thăm. Chính phủ Liên Xô chỉ thị duy trì các cuộc trưng bày thường xuyên.
Năm 1959, tổ hợp triển lãm được đổi tên thành VDNKh (đọc là vê-đê-en-kha)- Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân. Từ đó trở đi ở đây không chỉ có triển lãm nông nghiệp, mà cả triển lãm xây dựng và công nghiệp. Lãnh thổ VDNKh được mở rộng gần gấp đôi. Xuất hiện những tòa nhà-cung điện mới, là các gian trưng bày chủ đề "Chế tạo máy", "Luyện kim", "Năng lượng nguyên tử". Sau chuyến bay của phi hành gia đầu tiên Yuri Gagarin vào vũ trụ năm 1961, đông đảo người dân từ khắp nơi kéo về đây xem gian triển lãm "Vũ trụ". Ở lối vào gian này trưng bày mô hình tàu vũ trụ "Phương Đông" là bản sao chính xác từ "phương tiện giao thông vũ trụ" của Anh hùng Gagarin.
Cùng với thời gian, VDNKh trở thành một trong những địa điểm yêu thích nhất của dân Moskva. Mọi người tới đây dạo chơi trong vườn cây và công viên, nơi bố trí vô số quán cà phê và nhà hàng. Trên các ao hồ thuộc lãnh thổ này có thể chèo thuyền và thậm chí câu cá. Những cặp tình nhân hẹn hò bên đài phun nước hoành tráng "Tình hữu nghị của các dân tộc" — ở giữa là bó lúa mì khổng lồ, quây quần xung quanh là các cô gái trong trang phục dân tộc tượng trưng cho mỗi nước Cộng hòa trong thành phần Liên Xô. Toàn bộ các pho tượng điêu khắc đều được phủ bằng vàng lá sáng lấp lánh.
Thế nhưng "Ước mơ Xô-viết" đã không trở thành hiện thực: năm 1991, Liên bang Xô-viết sụp đổ. VDNKh biến thành Trung tâm Triển lãm toàn Nga. Trong Trung tâm xuất hiện những gian hàng hiện đại rộng rãi, diễn ra những cuộc trưng bày triển lãm khoa học, nghệ thuật và thương mại. Hôm nay ở đây vẫn đông đúc người qua lại như thế. Nhiều người dân Moskva vẫn quen gọi nơi này là VDNKh. Có lẽ vì các tòa nhà-cung điện kiểu Liên Xô cho đến hôm nay vẫn lưu giữ ánh hào quang độc nhất vô nhị không thể lẫn lộn hay lãng quên của thời kỳ Xô viết.