"Bom thùng, hầm ngầm tra tấn và khí độc: trong nhiều năm Assad đã khủng bố nhân dân Syria, gây những tội ác quân sự khủng khiếp," — nhà báo Kersten Knipp viết cho Deutsche Welle. "Thật khó thể tin sau sáu năm xung đột, ông ta vẫn đang nắm quyền", — tác giả nhận xét.
Nhưng theo Knipp, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ lệnh tấn công căn cứ của "chế độ Syria" thì càng khó thể tin có thể hành động với ông Assad dựa trên luật pháp quốc tế. Hầu hết các luật sư quốc tế có uy tín đã đánh giá vụ tấn công là "hành động vi phạm". "Nước Mỹ có thể đúng từ góc độ đạo đức, nhưng từ góc độ pháp lý, hành động này là không thể bào chữa," — tác giả nhấn mạnh.
Vấn đề của luật pháp quốc tế là sự thiếu hoàn thiện, Knipp nhận định. Luật pháp quốc tế — kết quả của những thỏa thuận pháp lý ở cấp quốc tế, sản phẩm của nhiều cuộc đàm phán thương lượng. Nhưng bất chấp những mặt yếu kém, luật pháp quốc tế đã đạt được rất nhiều: khống chế "lẽ phải của kẻ mạnh" và thay vào đó là nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn phù hợp với các tiêu chuẩn chung được hầu hết các nước tuân thủ.
"Dĩ nhiên, vụ tấn công của ông Trump không là gì so với những tội ác do chế độ Assad đang gây nên hàng ngày. Tuy nhiên, nó vẫn vi phạm các chuẩn mực và luật pháp bởi đó không là hành động tự vệ và ông Trump không được Liên Hợp Quốc chấp thuận," — Knipp viết. Có hai ví dụ chứng tỏ mối nguy hiểm vi phạm những quy tắc này: sự can thiệp của Mỹ vào Iraq năm 2003 cũng như việc Nga "thôn tính Crưm" năm 2014. Trong cả hai trường hợp, luật pháp quốc tế bị vi phạm và "lẽ phải của kẻ mạnh" đã trở lại. Sự biện minh trong những trường hợp như vậy sẽ không khác gì nỗ lực khẳng định "luật cổ đại" này. Xác nhận nó có nghĩa cộng đồng quốc tế sẽ tự làm mất uy tín của chính mình, — tác giả bài viết trên Deutsche Welle kết luận.