Theo thiếu tướng Bạch Thành Định, thời gian qua trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất quốc phòng, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật.
Liên quan đến nguồn gốc đất và nguyên nhân khiếu nại kéo dài của người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, ông Định cho hay:
Cơ quan chức năng Hà Nội cũng cho biết cho đến nay, người dân Đồng Tâm đã tự thả 15 người, 3 cán bộ, chiến sĩ tự giải thoát, trong tổng số 38 người bị bắt giữ trái phép.
Trong diễn biến khác, các cơ quan chức năng cũng đã cho tại ngoại đối với 4 công dân ở Đồng Tâm, đã bị khởi tố, bắt giữ về hành vi gây rối trật tự công cộng.Hà Nội khẳng định, việc cho tại ngoại 4 công dân này không phải là "trao trả" mà sau khi bị khởi tố các công dân này đã nhận thức được hành vi sai trái của mình nên được thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Năm 1980, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (Chương Mỹ) và Đồng Tâm (Mỹ Đức). Tháng 10.2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân cho Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng) với các mốc giới không thay đổi. Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất do Quân chủng Phòng không không quân quản lý cho Viettel tiếp nhận quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1 (trong đó gồm 46 ha đất thuộc xã Đồng Tâm).
Một số người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức đã lấn chiếm đất canh tác, xây dựng công trình trên diện tích này.
Do có sự buông lỏng của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng trên đất quốc phòng nên người dân xã Đồng Tâm đã có đơn thư khiếu nại gửi lên các cấp. Trong đơn có 48 nội dung khiếu tố các cá nhân và chính quyền các cấp, gồm 25 nội dung có cơ sở, 23 nội dung không có cơ sở.
Sau đó, huyện Mỹ Đức đã giải quyết khẩn trương, nhưng còn nhiều nội dung chưa được đồng thuận. Thành phố đã giải quyết 15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận.
Về cán bộ sai phạm, đã khai trừ Đảng 8 đảng viên, cách chức 1, cảnh cáo 1, khiển trách 5 (nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch xã, nguyên trưởng công an xã), khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 bị can (nguyên chủ tịch xã, nguyên cán bộ địa chính xã), cho tại ngoại nguyên bí thư xã do lý do sức khỏe.
Báo cáo cho biết, từ tháng 2.2017, khi Viettel tổ chức triển khai thi công dự án, số công dân khiếu nại và gây mất trật tự ngày càng phức tạp. Cuối tháng 2.2017, công dân khiếu kiện đã vận động người dân trên địa bàn tổ chức ngăn cản, nhổ biển báo "Khu vực quân sự", đưa máy móc nông nghiệp vào khu vực cày bừa, canh tác tại khu vực Đồng Sênh… Nhiều hoạt động vi phạm cũng được thực hiện như dựng trái phép 1 túp lều, đổ đá mạt làm đường, cắm cờ dọc đường, căng băng rôn với nội dung "đất từ đây trở xuống là đất nông nghiệp xã Đồng Tâm", sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền nhiều nội dung trái phép, kích động về đất quốc phòng, tụ tập đông người kéo lên trụ sở UBND xã để phản ứng chính quyền, cắt loa phóng thanh xã, buộc con em nghỉ học…
Trên cơ sở này, Công an thành phố, Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp các đơn vị liên quan, thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ chứng cứ. Ngày 30.3.2017, Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245, Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 257 và vụ án "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" theo Điều 173 của bộ luật Hình sự năm 1999.
Cũng theo báo cáo, Công an thành phố đã 3 lần triệu tập công dân có liên quan nhưng không chấp hành, mà tiếp tục tổ chức các hành vi chống đối. Ngày 15.4, Công an thành phố đã bắt 4 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngay sau đó, một số người dân xã Đồng Tâm đã tập trung đông người bao vây, không cho xe của các lực lượng ra khỏi xã Đồng Tâm, đập phá 5 xe gồm 1 xe chở quân, 3 xe Innova, 1 xe cứu thương, giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành.
Khi lực lượng chức năng tổ chức phương án giải cứu cán bộ bị bắt giữ, số người này chuẩn bị gậy gộc, xẻng, xăng sẵn sàng chống trả. Lãnh đạo TP đã trực tiếp tuyên truyền với số cầm đầu, quá khích, thành phố cũng tổ chức 2 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng, nhưng một số đối tượng không hợp tác, ném đá, cát sỏi vào làm một số cán bộ, chiến sĩ công an bị thương.
Theo ông Bạch Thành Định, đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh, không để ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, nhân dân Mỹ Đức cũng như người dân Hà Nội. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết và triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức.
Nguồn: baomoi.com