Không khí căng thẳng lơ lửng trên bán đảo Triều Tiên, — nhà báo Alexander Khrolenko của Sputnik nhận xét. Người Mỹ và các đồng minh của họ trong khu vực không khước từ giải pháp quân sự cho "vấn đề Bắc Triều Tiên". Về phía mình, Bình Nhưỡng cũng không định "khoanh tay" ngồi chờ đòn tấn công phủ đầu của Mỹ. Các đơn vị trinh sát và biệt kích đặc biệt tồn tại trong quân đội nhiều nước trên thế giới và sự xuất hiện lực lượng đặc nhiệm Bắc Triều Tiên là phù hợp qui luật.
Thông thường lính đặc nhiệm hỗ trợ các đơn vị bộ binh "cổ điển" trong hoạt động chiến đấu. Thành lập lực lượng đặc nhiệm độc lập là dự án quy mô lớn của Bình Nhưỡng, với dự tính sử dụng số lượng đáng kể phương tiện và lực lượng đặc nhiệm trên lãnh thổ đối phương, trong tất cả các môi trường và với cấp độ công nghệ hoàn toàn mới. Có nghĩa nếu bị Mỹ và các đồng minh của Mỹ xâm lược, Bắc Triều Tiên sẽ sẵn sàng phản công đối xứng tiêu diệt những mục tiêu quan trọng của đối phương ở hậu phương (và trong vùng biển quốc tế).
Theo các chuyên gia được Yonhap tham khảo, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang mới Bắc Triều Tiên là ngăn chặn và phá vỡ hoạt động của lính đặc nhiệm Hàn Quốc và Mỹ tiêu diệt ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Có lẽ đó mới là một nhiệm vụ tối thiểu. Cuộc diễu hành của lực lượng đặc nhiệm Bắc Triều Tiên gây ấn tượng mạnh tới mức Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch cử cùng lúc ba hàng không mẫu hạm đến bờ biển bán đảo Triều Tiên — một động thái chưa từng có. Hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson sẽ tiến vào vùng biển Nhật Bản ngày 25 tháng 4, tiếp đến là Ronald Reagan (CVN 76) và Nimitz (CVN 68).
Bình Nhưỡng không kỳ vọng các lãnh thổ và tài nguyên khác, đơn giản là họ khai thác kinh nghiệm hoạt động của các quân đội Mỹ, Nga và các nước. Theo ước tính khác nhau, quân số lực lượng đặc nhiệm Bắc Triều Tiên khoảng từ 88 —120 nghìn người.
Alexander Khrolenko tin rằng, dưới hình thức lực lượng đặc nhiệm các binh sĩ Bắc Triều Tiên nổi tiếng về tư chất huấn luyện chiến đấu và lòng trung kiên sẽ là trở ngại không hề nhỏ cho bất cứ đối phương dù được trang bị đầy đủ công nghệ cao. Và cũng rất có thể, một giải pháp hòa bình cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tới gần.
Lúc này, Washington thậm chí từ chối thảo luận đề xuất được Bình Nhưỡng đưa ra nhiều lần về ký kết hiệp ước hòa bình và Mỹ vẫn duy trì ở Hàn Quốc hơn 28.000 quân nhân. Trong bối cảnh không đơn giản nhiều năm đối đầu quân sự và chính trị, Bắc Triều Tiên đã phát triển và thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và các tên lửa đạn đạo bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ.
Mới đây, Hàn Quốc và Nhật Bản lại thông báo về vụ phóng tên lửa đạn đạo thất bại ở Bắc Triều Tiên. Thử nghiệm tiếp theo có thể diễn ra vào ngày 25 tháng 4 nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Vào hôm thứ Hai, Mỹ đã đe dọa Bắc Triều Tiên "những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ" nếu có "hành động khiêu khích" mới.