Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận bà Sandy Phan Phan-Gillis bị kết án hôm 25.4 trong một phiên xét xử kín, chỉ có một đại diện lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu được phép dự khán lúc tòa ra phán quyết. Bản án cho bà Phan Phan-Gillis là 3,5 năm tù về tội "do thám" Trung Quốc, dẫn đến khả năng bà có thể được trả về Mỹ sớm.
Theo luật Trung Quốc, bà Phan Phan-Gillis có thể được xét ân xá và bị trục xuất về Mỹ, theo ông John Kamm, người lập Hội Dui Hua (ở San Francisco, Mỹ). Đây là một tổ chức giám sát nhân quyền và các vấn đề pháp lý ở Trung Quốc. Ông John Kamm cho rằng Trung Quốc sẽ sớm thả bà Phan Phan-Gillis.
Hội này nói rằng bà Phan Phan-Gillis là công dân Mỹ đầu tiên bị một cấp tòa Trung Quốc buộc tội làm "điệp viên" kể từ năm 1973. Nhưng bản án 3,5 năm tù của bà là đã có sự giảm nhẹ đối với tội danh này.
Trung Quốc đôi khi thả những tù phạm người nước ngoài như một cử chỉ thiện chí. Năm 2016, Trung Quốc cho phép Kevin Garratt trở về nước, sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với các quan chức ở Bắc Kinh về trường hợp công dân này bị buộc tội "điệp viên" và bị kết án 2 năm tù.
Trong trường hợp bà Phan Phan-Gillis được thả, ông Kamm cho rằng đó là nhờ công của chính quyền Donald Trump và nhất là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đã thăm Bắc Kinh hồi tháng 3. Ông Kamm nói rằng ông được "người trong phòng" cho biết ông Tillerson đã nhắc đến "vụ Phan Phan-Gillis" trong những cuộc gặp riêng tư.
Ông Kamm nói: "Nếu quan hệ Mỹ — Trung không êm ả như lúc này, tôi cho rằng kết quả vụ này sẽ rất khác".
Một ủy ban Liên Hợp Quốc từng nói việc bắt giam bà Phan Phan-Gillis là sự vi phạm các chuẩn mực quốc tế. Mỹ từ lâu ép Trung Quốc xử lý vụ này một cách minh bạch.
Bà Phan Phan-Gillis hiện nay 54 tuổi. Bà sinh ra ở Việt Nam sau khi cha mẹ bà di cư sang Việt Nam từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Cuối những năm 1970, bà đến Houston (bang Texas) định cư và trở thành công dân Mỹ đầu những năm 1980.
Bà Phan Phan-Gillis là một cố vấn trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều lần đến Trung Quốc để cổ động giao lưu văn hóa và thương mại. Bà là Chủ tịch Hội thành phố kết nghĩa Houston — Thẩm Quyến, vốn cổ động quan hệ làm ăn giữa hai thành phố.
Hồi tháng 3.2015, khi tham gia một chuyến đi Trung Quốc để cổ động làm kinh tế ở Houston, bà Phan Phan-Gillis đã mất tích. Sau đó có tin bà bị chính quyền Bắc Kinh bắt, bị buộc tội "do thám" và ăn cắp bí mật quốc gia của Trung Quốc. Tội danh "do thám" có thể khiến bà bị kết án tử hình.
Chồng bà là ông Jeff Gillis sau hai tuần mới được lãnh sự quán Mỹ cho biết cảnh sát Trung Quốc đã bắt vợ ông.
Theo Guardian, Trung Quốc thường không giải thích vì sao bắt hoặc trừng phạt ai đó. Năm ngoái, luật sư của bà Phan Phan-Gillis là Shang Baojun cho hãng tin AP biết bà bị buộc tội "do thám" nhưng ông không thể nói gì thêm vì chuyện này liên quan đến bí mật quốc gia của Trung Quốc.
Cũng năm 2016, chồng bà Phan Phan-Gillis kể rằng ông được thông báo vợ ông bị buộc tội "hoạt động gián điệp" trong năm 1996 và tìm cách tuyển "điệp viên mới" trong hai năm 1997-1998.
Ông Jeff Gillis nói: "Đó là những vu cáo quá sức phi lý. Tôi có hộ chiếu cho thấy vợ tôi không hề có visa nhập cảnh Trung Quốc năm 1996. Bà ấy không nhập cảnh cũng chẳng xuất cảnh khỏi nước này. Tôi còn có các hóa đơn chi tiêu cho thấy vợ tôi không hề xin gia hạn visa".
Nguồn: motthegioi