Chia sẻ với Japan Times, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS, một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Honolulu, ông Ralph A. Cossa cho rằng trên lý thuyết, chính sách hạt nhân của Triều Tiên là khá rõ ràng và đơn giản.
Tuy nhiên, khi Triều Tiên tuyên bố quốc gia này sở hữu công nghệ tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ, thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Dù thông tin trên chưa được kiểm chứng nhưng nếu Bình Nhưỡng thực sự đạt được thành tựu này, cái giá mà Mỹ, Nhật, Hàn và thậm chí cả Trung Quốc phải trả sẽ là rất đắt.
Trong hàng chục năm qua, quân đội Mỹ — Hàn đã thường xuyên tổ chức các bài diễn tập quân sự mô phỏng khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công từ Triều Tiên. Mối đe dọa từ Triều Tiên không chỉ đến từ vũ khí hạt nhân mà còn đến từ chính lực lượng tên lửa truyền thống và đạn pháo có thể "trút như mưa" sang thủ đô Seoul của Hàn Quốc bất cứ lúc nào. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, nếu Triều Tiên tấn công quân sự trước, quốc gia này sẽ phải đánh đổi bằng cả sự tồn tại của chính quyền đương nhiệm.
Trong khi đó, nếu Mỹ và các quốc gia đồng minh không có bất cứ hành động nào ngăn cản Triều Tiên phát triển năng lực tích hợp đầu đạn hạt nhân thì chính Seoul, Tokyo và cả Mỹ sẽ luôn thấp thỏm trong mối lo sợ bị vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng tấn công. Đây chính là lý do mà Mỹ đang cân nhắc cả phương án tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Và trong bối cảnh, Triều Tiên đe dọa thực hiện vụ tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc, Washington và Seoul lại càng có thêm lý do để tính tới chuyện tấn công Bình Nhưỡng trước.
Về phần mình trong nhiều năm qua, Triều Tiên vẫn cho rằng Mỹ theo đuổi chính sách lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng. Nhưng theo ông Cossa, trên thực tế, điều mà Mỹ muốn nhất là khiến Triều Tiên thay đổi thái độ hành xử.
Dù là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc cũng đang dần có những tuyên bố và hành động cứng rắn chỉ trích Bình Nhưỡng trước những việc làm mang tính khiêu khích như thử hạt nhân và phóng thử tên lửa.
Trung Quốc từng coi Triều Tiên là một vùng đệm quan trọng nhằm ngăn quân đội Mỹ — Hàn tiến sát biên giới. Bắc Kinh cũng lo ngại nếu chính quyền Bình Nhưỡng xảy ra biến cố, làn sóng di cư quy mô lớn từ Triều Tiên sẽ đổ xô sang Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, với những lời cam kết chắc chắn từ Washington và Seoul, Bắc Kinh bắt đầu có những hành động nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng. Cụ thể, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh ngừng hoạt động nhập khẩu than đá của Triều Tiên trong cả năm nay. Động thái của Trung Quốc khiến Triều Tiên vô cùng tức giận. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn cáo buộc Trung Quốc đang "nhảy theo nhạc" của Mỹ.
Theo ông Cossa, kế hoạch thay đổi một chính quyền là phương án không được chào đón nhưng nếu Bình Nhưỡng vẫn đi theo con đường hiện nay, không ai dám chắc viễn cảnh này sẽ không xảy ra. Nhưng viễn cảnh này hoàn toàn có thể tránh được khi mà Triều Tiên không hề giấu diếm mong muốn có một thỏa thuận hòa bình với Mỹ. Và điều này hiện còn chịu tác động từ việc Hàn Quốc sắp có chính quyền mới.
Do đó, theo ông Cossa, khi người dân Hàn Quốc chọn được cho mình một vị Tổng thống mới, việc đầu tiên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nên làm là "gửi một bức thư cho tân Tổng thống Hàn Quốc" và đề xuất một cuộc họp nhằm thảo luận về "sự chung sống hòa bình" giữa hai nước. Đây cũng là sẽ bước đầu tiên trong tiến trình giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Còn theo nhà sáng lập Diễn đàn Thái Bình Dương, cựu Đô đốc Lloyd "Joe" Vasey, ông Kim có thể gửi một bức thư tới nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để nhờ ông này nối lại vòng đàm phán 6 bên để đưa ra một lộ trình "hành động vì hành động" đồng thời gửi tín hiệu tới Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Bình Nhưỡng sẵn sàng "mặc cả quy mô lớn".
Hoặc Bình Nhưỡng có thể tiếp tục con đường hiện tại nhưng đây chắc chắn là con đường tự hủy diệt. Bởi việc làm của Triều Tiên sẽ đẩy chính quyền của Tổng thống Trump vào 2 lựa chọn. Thứ nhất, Mỹ phải chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân với khả năng đe dọa an ninh Seoul, Tokyo và cả Mỹ. Thứ hai, Mỹ sẽ đưa ra biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn Triều Tiên đạt được mục tiêu này. Nói như Mỹ là tất cả các phương án còn đang nằm trên bàn thảo luận. Song theo ông Cossa, tình thế hiện nay có thể thay đổi và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của ông Kim Jong-un.
Nguồn: infonet