Đối với nhiều người ở nước chúng tôi không thể bắt đầu một ngày mà không uống một tách cà phê thơm ngon. Đặc biệt là người Nga thích cà phê tan, cơ sở của nó là giống cà phê Robusta — giống chủ yếu được trồng ở Việt Nam. 38% khối lượng xuất khẩu cà phê xanh, được sử dụng để rang và sản xuất cà phê hòa tan tại các xí nghiệp Nga, là cà phê trồng tại Việt Nam. Hạt cà phê đã theo chân các giáo sĩ người Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ XIX, và từ đó, ngành cà phê phát triển mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới sau Brazil.
Năm 1997, Việt Nam vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ ba thế giới. Năm 2000, với 734.000 tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục vượt qua Colombia để vươn lên vị trí thứ hai thế giới. Vị trí này được duy trì kể từ đó đến nay. Cà phê của Việt Nam được xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 14 thị trường đứng đầu chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, trong đó có nhiều thị trường với các tiêu chuẩn cao và sành cà phê như Đức, Hoa Kỳ, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đức và Hoa Kỳ chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, xuất khẩu cà phê năm 2016 đạt trên 3 tỷ USD, tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị so với năm 2015. Có thể nói, các thương hiệu cà phê Việt Nam như Trung Nguyên, Vinacafe, Mê Trang đang cạnh tranh với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới như Nestle, Kerry Ingredients, Rich's, Vovos Corporation, Buhler, Starbucks… Với người sành cà phê thì hương vị đậm đà và mùi thơm của cà phê Việt Nam rất sẽ khó quên. Bên cạnh đó, các khu vực trồng cà phê nổi tiếng của Việt Nam như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông còn là các điểm thu hút du khách nước ngoài với vẻ đẹp bất tận của cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa đặc trưng và các "Coffee Tour".