Hệ thống pháo phòng không tự hành M42 Duster được chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng hạng nhẹ M41, chính thức sản xuất từ năm 1952 đến năm 1960 và phục vụ trong biên chế Lục quân Mỹ cho tới năm 1988.
M42 Duster được trang bị khẩu pháo nòng đôi Bofors M2A1 cỡ 40 mm, tốc độ bắn 120 phát/ phút/ nòng với cơ số 336 viên đạn. Vũ khí phụ gồm súng máy M1919A4 cỡ 7,62 mm hoặc loại M60 cùng cỡ.
Chiếc chiến xa này có trọng lượng 24,8 tấn; chiều dài 5,82 m; chiều rộng 3,23 m; chiều cao 2,85 m; kíp chiến đấu 4 — 6 người; thân xe được bọc thép dày 9 — 25 mm.
Nhờ động cơ 6 xi lanh làm mát bằng chất lỏng công suất máy 500 mã lực mà M42 Duster có thể chạy với vận tốc tối đa 72 km/h; tầm hoạt động 160 km.
Trong giai đoạn 1965 — 1972, Mỹ đã đưa đưa M42 Duster sang tham chiến tại Việt Nam với dự định đối phó tiêm kích MiG của Không quân Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên thực tế chiến trường cho thấy nó chủ yếu đảm nhiệm vai trò hạ nòng bắn yểm trợ hỏa lực cho bộ binh.
Sau khi Mỹ rút quân, một số hệ thống pháo phòng không tự hành M42 đã được chuyển giao cho quân đội Sài Gòn, biên chế trong 4 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và sân bay.
Kết thúc giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, quân ta thu được một số xe làm chiến lợi phẩm và đưa vào hoạt động trên chiến trường Tây Nam.
Tháng 3/1985, trong chiến dịch tiến công căn cứ K3 của Khmer Đỏ ở biên giới Campuchia — Thái Lan, Trung đoàn tăng thiết giáp 574 đã sử dụng 5 xe M42 tham gia chi viện hỏa lực, hỗ trợ đắc lực cho bộ binh tiêu diệt địch.
Tương tự như xe tăng M41 hay M48, toàn bộ số pháo phòng không tự hành M42 Duster chiến lợi phẩm đều đã phải ngừng hoạt động do thiếu phụ tùng hay đạn dược cần thiết, chúng bị đưa sang chế độ niêm cất bảo quản dài hạn.
Hiện nay, mặc dù công nghiệp quốc phòng trong nước đã chế tạo thành công đạn pháo 40 mm hệ 2, thì cơ hội để M42 Duster quay lại biên chế vẫn là rất thấp. Hệ thống vũ khí này khá đơn sơ, thiếu các khí tài trinh sát hay dẫn bắn cần thiết.
So sánh với tổ hợp tương tự do Liên Xô sản xuất là ZSU-23-4 thì rõ ràng M42 Duster thua kém quá nhiều, có lẽ vai trò lịch sử của nó tại Dải đất hình chữ S đã thực sự kết thúc!
Nguồn: Báo Đất Việt