Sau 5 năm đầy biến động thời kỳ "Đặng Văn Thành", Ngân hàng Sacombank cũng sắp có một đại hội cổ đông để chọn ra ứng cử viên cho chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT. Ông Đặng Văn Thành đã rút lui và không có tên trong danh sách ứng viên cho nhiệm kỳ tới.
Như vậy, vụ thâu tóm Sacombank đã đến hồi kết. Ông Đặng Văn Thành cũng sẽ không tái xuất, trở lại với ngân hàng mà ông đã gây dựng trọng vòng 20 năm.
Tuy nhiên, đế chế Thành Thành Công của gia đình ông Đặng Văn Thành vẫn đang lớn mạnh. Gia đình ông Thành vẫn tiếp tục củng cố vị thế thống trị của mình về mía đường khi mở rộng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều khả năng, nhà ông Đặng Văn Thành đã mua xong toàn bộ mảng mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).
Trong báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Ernst & Young, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết đã bán toàn bộ mảng mía đường cho một tập đoàn từ hồi tháng 8/2016 và đang tiến hành các thủ tục pháp lý để hoàn tất giao dịch.
Tại ngày 31/8, tổng tài sản thuần của nhóm công ty mía đường này là 1.026 tỷ đồng. Trong đó, tài sản là 2.585 tỷ đồng và nợ phải trả 1.559 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối 2016, trên thị trường xuất hiện tin đồn Bầu Đức bán mảng mía đường cho tập đoàn của ông Đặng Văn Thành. Tuy nhiên, các bên lúc bấy giờ đều khá kín tiếng và không chính thức thừa nhận điều này.
Đại diện một CTCK tại TP.HCM xác nhận vụ mua bán và cho rằng, việc bán cho ông Đặng Văn Thành là lựa chọn duy nhất trong thời điểm này, vì rất khó để bán cho ai khác ngoài ông trùm ngành mía đường.
Gần đây, hai công ty mía đường của ông Đặng Văn Thành cũng đã công bố kế hoạch sáp nhập.
Kế hoạch sáp nhập Đường Biên Hòa vào Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh sẽ được đưa ra lấy kiến đại hội đồng cổ đông sắp tới để trở thành một công ty có quy mô gần nửa tỷ đô. Đây là 2 doanh nghiệp mía đường có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán, và đều do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.
Việc sáp nhập BHS và TTC Tây Ninh sẽ là tạo ra công ty có quy mô lớn nhất ngành mía đường Việt Nam. Sau sáp nhập, vốn hóa DN sẽ lên tới 10 ngàn tỷ đồng với doah thu hàng năm khoảng 8 ngàn tỷ.
Lợi ích từ việc thâu tóm các doanh nghiệp mía đường của Bầu Đức là khá rõ. Đường từ nhà máy này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Khi TTCK mua được nhà máy đường của HAGL thì việc nhập khẩu đường thô cho Đường Biên Hòa sẽ không bị Hiệp hội mía đường Việt Nam phản ứng dữ dội như hồi năm 2013. Sự lớn mạnh của TTC sau khi thâu tóm DN của Bầu Đức sẽ giú ngành kinh doanh mía đường của TTC có thêm sức để cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước.
Nguồn: VietnamNet