Thế nhưng vào mùa xuân năm 1954, các trận địa pháo của quân Pháp đã bị Bộ đội Pháo binh non trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam làm cho "câm họng".
Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Pháo binh (LLPB) tham gia chiến dịch gồm: 1 trung đoàn pháo lựu 105mm, 1 trung đoàn sơn pháo 75mm, 5 tiểu đoàn súng cối,… Đồng thời, các đại đoàn bộ binh: 308, 304, 312, 316 cũng được trang bị súng cối đi cùng. Tổng cộng ta có 261 khẩu pháo, cối các loại. Để đưa các loại pháo mới có tầm bắn xa, uy lực lớn lên Điện Biên Phủ như: Lựu pháo 105mm, hỏa tiễn H6, ĐKZ 75mm, Bộ đội Pháo binh cùng với các lực lượng khác đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm hàng trăm ki-lô-mét đường, kéo pháo vượt qua các ngọn núi để vào trận địa, tạo thành thế "ngồi trên đầu thù".
Qua 56 ngày đêm chiến đấu, LLPB đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là hỏa lực mặt đất chủ yếu chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh địch, khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng và chi viện đắc lực cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta, trong đó có nghệ thuật sử dụng pháo binh. Điều đó được thể hiện rõ nét trên một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, tạo lập thế trận pháo binh liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, chuyển hóa linh hoạt, phù hợp với Quyết tâm chiến dịch. Để đưa các khẩu trọng pháo nặng hàng tấn vào trận địa bắn trong điều kiện phải tuyệt đối giữ bí mật là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Song với ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, Bộ đội Pháo binh đã cùng với các lực lượng khác đưa được pháo lên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm, hình thành thế vây hãm địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Đây thực sự là yếu tố bất ngờ đối với quân Pháp. Các loại pháo đều bố trí theo nguyên tắc "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung", bảo đảm tập trung trên hướng, khu vực, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, vừa có hỏa lực đánh địch trên các hướng khác, hình thành thế trận pháo binh hiểm hóc, vững chắc, có chiều sâu, bổ trợ lẫn nhau, phát huy cao nhất hiệu quả chiến đấu của từng loại pháo.
Hai là, tập trung ưu thế pháo binh chi viện trực tiếp cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch. Ở Điện Biên Phủ, địch có 126 khẩu pháo, bao gồm pháo 155mm, lựu pháo 105mm, cối 120mm,… Ngoài ra, địch còn hỏa lực của xe tăng, không quân chi viện. Để đánh thắng, đòi hỏi ta phải tạo được ưu thế hơn hẳn địch cả về lực lượng và thế trận, nhất là hỏa lực. Ngay từ đầu chiến dịch, ta đã huy động, sử dụng 229 khẩu pháo, cối các loại, đến cuối đợt 2 và cả đợt 3 chiến dịch, số lượng này đã tăng lên 261 khẩu. Xét về số lượng pháo thì ta hơn địch (tỷ lệ là 2,1/1), nhưng địch có nhiều pháo lớn hơn ta (chủ yếu là pháo lựu 105mm và pháo lựu 155mm, có tầm bắn xa, uy lực lớn). Bởi vậy, để tạo ưu thế áp đảo về hỏa lực, giải quyết mâu thuẫn giữa số lượng, chất lượng pháo, Bộ chỉ huy chiến dịch đã sử dụng LLPB tập trung vào hướng, khu vực tiến công chủ yếu, các trận then chốt, then chốt quyết định. Điển hình như: Trong trận tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam-trận then chốt mở đầu chiến dịch, ta đã huy động 100% pháo xe kéo, hơn 70% sơn pháo và 80% súng cối 120mm, tạo ưu thế hỏa lực lớn gấp 10 lần địch. Việc tập trung hỏa lực chủ yếu của pháo binh vào những hướng, nhiệm vụ chủ yếu, mục tiêu chủ yếu, thời cơ quan trọng của chiến dịch đã làm tê liệt hoàn toàn pháo binh địch, chi viện cho bộ binh đánh tiêu diệt gọn từng cứ điểm và giảm thương vong cho bộ đội ta.
Ba là, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phát huy sức mạnh hỏa lực của mỗi loại pháo. Theo cách đánh của chiến dịch: Bao vây, tiến công trận địa…, pháo binh chiến dịch đã mở đầu bằng trận tập kích hỏa lực chuẩn bị tập trung chế áp Phân khu Trung tâm, các sân bay, trận địa pháo và kho tàng của địch, tạo điều kiện cho pháo binh đi cùng cơ động vào chiếm lĩnh trận địa. Khi kết thúc hỏa lực chuẩn bị, pháo đi cùng của các đơn vị mới khai hỏa để chi viện cho bộ binh thực hành xung phong đánh chiếm mục tiêu, nên đã bảo toàn được LLPB và tạo ra yếu tố bất ngờ trên các hướng, mũi tiến công. Với lối đánh này, hỏa lực pháo binh luôn theo sát đội hình chiến đấu bộ binh, chi viện đạt hiệu quả cao.
Hơn 60 năm đã qua nhưng tầm vóc lịch sử và những bài học về nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến pháo binh rút ra từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Theo: qdnd.vn