Theo nguồn tin này, Việt Nam có kế hoạch mua sắm máy bay tuần tra săn ngầm P-3C mới hoặc hàng cũ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đồng thời quan tâm đến sản phẩm cùng loại do Mỹ sản xuất.
Tờ Nikkei cho rằng, nếu Việt Nam chọn mua P-3C từ Nhật Bản thay vì của từ Mỹ, Hải quân Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn. Dẫn nguồn tin quân sự Nhật Bản, tờ Nikkei cho biết, Việt Nam đã chính thức đề nghị quốc gia này cung cấp các máy bay săn ngầm P-3C đã qua sử dụng.
Theo nguồn tin này, Việt Nam đang tìm cách để tăng cường khả năng phòng thủ, đặc biệt sau khi Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý các trang thiết bị vũ khí của Mỹ như máy bay săn ngầm P-3C lại có giá thành quá đắt và không bao gồm vũ khí. Chính vì vậy, Việt Nam đang tìm cách mua các máy bay P-3C đã qua sử dụng rẻ hơn từ Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF).
Máy bay P-3C của JMSDF là một phiên bản của máy bay tuần tra trinh sát chống ngầm P-3 Orion trong Hải quân Mỹ. Đây là sản phẩm của mối hợp tác giữa Lockheed Martin của Mỹ và Kawasaki Heavy Industries của Nhật Bản.
Nếu quyết định mua máy bay P-3C của Nhật Bản, việc trang bị vũ khí sẽ thuận lợi với Việt Nam hơn rất nhiều bởi theo truyền thông nước này, Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam vũ trang cho P-3C sau khi chúng được mua về.
Thay đổi trong chính sách vũ khí của Nhật Bản
Cùng với đồn đoán Việt Nam muốn mua máy bay P-3C của JMSDF, tờ Yomiuri dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, nội các nước này lên kế hoạch sửa luật cho phép Nhật Bản có thể cung cấp các trang thiết bị vũ khí đã qua sử dụng cho các quốc gia khác với hình thức miễn phí hoặc giá rẻ.
Theo nguồn tin này, trước đây Nhật Bản đã đồng ý cấp các máy bay huấn luyện cũ cho Philippines, các tàu tuần tra đã qua sử dụng cho Việt Nam và trong tương lai có thể cung cấp cho Malaysia. Theo kế hoạch, việc sửa đổi hiến pháp tới đây sẽ giúp Nhật Bản tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh với các quốc gia khác.
Sau khi xuất hiện thông tin này, tờ Nikkei cho biết, Nhật Bản đang tìm cách cho tặng các máy bay P-3C đã loại biên cho Malaysia. Đây là một trong những nỗ lực vừa giúp Malaysia nâng cao năng lực kiểm soát tình hình Biển Đông, cũng như giúp Nhật Bản mở rộng hơn nữa ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á.
"Đáp lời đề nghị từ Kuala Lumpur, Tokyo đang có kế hoạch cấp một số máy bay tuần tra P-3C đã loại biên", tờ Nikkei dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản dấu tên cho biết. Tuy nhiên, thông tin này đã bị phía Malaysia phủ nhận ngay sau đó.
Hãng thông tấn Bernama dẫn lời tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) cho biết: "Đó có thể là một tin đồn…chúng tôi không nhận được bất kỳ lời đề nghị hoặc quyết định chính thức nào cho đến nay", tư lệnh RMAF Datuk Seri Affendi Buang nói trong một cuộc họp báo mới đây.
Nguồn: Báo Đất Việt