Tổ hợp bảo tàng hoành tráng này tôn vinh chủ nghĩa anh hùng và tinh thần dũng cảm vô song của quân dân Nga trong cuộc chiến đấu chống phát xít Đức. Ý tưởng lập Bảo tàng để ghi công những anh hùng đã xuất hiện ngay từ khi cuộc chiến còn đang diễn ra quyết liệt. Năm 1942, quân Đức vượt sông Volga, tiến về Stalingrad. Chính trong giai đoạn đó, Hội kiến trúc sư công bố cuộc thi thiết kế Đài tưởng niệm và Bảo tàng Chiến thắng. Nhưng vì nhiều lý do, dự án này đã bị trì hoãn gần nửa thế kỷ.
Khu tưởng niệm được khai trương năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng. Ở trung tâm tổ hợp là tượng đài cao 142 mét và tòa nhà Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Nhiệm vụ chính của bảo tàng là gìn giữ sự thật về cuộc đấu tranh kiên cường chống phát xít Đức. Phó Giám đốc Bảo tàng Trung ương Chiến tranh vệ quốc vĩ đại Mikhail Mikhalchev cho biết: "Năm tháng chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng nhận thức được rõ hơn về chủ nghĩa anh hùng và tinh thần dũng cảm của ông cha ta, những người đã xả thân bảo vệ tự do và độc lập của đất nước. Những hiện vật trong bảo tàng chuyển tải sự thật về cuộc chiến tranh lớn mà hiện nay có những thế lực đang cố tìm mọi cách làm sai lệch và xóa nhòa vai trò của Liên Xô trong cuộc Thế chiến. Do đó, là các nhân viên chuyên môn, chúng tôi cho rằng Bảo tàng này thực thi sứ mệnh chính của mình là lưu giữ sự thật về Chiến thắng Vĩ đại"
Trong bảo tàng có hơn 250 000 hiện vật: đó là các chứng cứ tài liệu, ảnh thời chiến tranh, đồ dùng cá nhân của những người tham gia cuộc chiến, vũ khí và thiết bị quân sự. Một trong những hiện vật độc đáo là chiếc xe tăng T-34. Giữa một trận đánh, chiếc xe tăng này bị chìm xuống đầm lầy. Tổ lái thoát khỏi xe và tiếp tục chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến tranh. Đến năm 1998, các đội tìm kiếm đã được kéo được chiếc xe tăng lên khỏi bùn và chuyển giao cho bảo tàng.
Trong bộ sưu tập của bảo tàng còn có các loại xe bọc thép của Anh và Mỹ, được cung cấp cho Liên Xô theo kiểu Lend-Lease, cũng như vũ khí của các đối thủ chính là Đức và Nhật Bản. Bảo tàng còn có phòng trưng bày nghệ thuật, sáu gian bán nguyệt kiểu diorama, phòng về các vị tướng, gian Vinh Quang và gian Tưởng Niệm. Hàng năm trung bình có khoảng nửa triệu người đến thăm Bảo tàng này.