Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey khiến giới quan sát bất ngờ.
Trả lời về vấn đề này, PGS. TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng:
"Trong kinh doanh, Donald Trump là người quyết đoán, luôn xử lý nhanh và đem lại hiệu quả ngay. Nhưng với chính trị, ông Trump vẫn yếu hơn so với các chính trị gia khác và thiếu kiên nhẫn chính trị".
Quyết định sa thải ông Comey đã được dự đoán và giành được sự quan tâm của giới chuyên gia từ lâu.
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump không chỉ là quyết định thay thế nhân sự đơn thuần mà sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình chính trị của nước Mỹ, đặc biệt là uy tín và vai trò lãnh đạo của ông Trump với nước Mỹ và thế giới.
James Comey, dù làm việc trong ngành hành pháp nhưng có quan điểm chính trị độc lập, không đứng về phía đảng phái nào mà chỉ làm việc theo nhiệm vụ của mình.
Ông là Giám đốc của FBI, cơ quan điều tra về các vấn đề an ninh quốc gia, từng điều tra về vấn đề rò rỉ email của bà Clinton và sau đó là sự liên quan của Nga đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
- Từng khen ngợi ông Comey khi FBI điều tra vụ rò rỉ email của bà Clinton nhưng lại đột ngột sa thải khi họ đang điều tra mối liên hệ giữa Nga và cuộc bầu cử năm 2016, hành động này của Donald Trump khiến nhiều người cho rằng ông ta đang che dấu điều gì, ông nhận định thế nào về quan điểm này?
Trên khía cạnh trách nhiệm với công việc, ông Comey đã hành động hoàn toàn đúng.
Nhìn rộng ra, việc sa thải James Comey của ông Trump đã vấp phải nhiều phản ứng từ các nhân vật quan trọng ở Mỹ. Nhiều thượng nghị sỹ đã tỏ ra bất ngờ trước quyết định này và cho rằng nó không hợp lý hay thậm chí cho rằng có gì chưa rõ ràng phía sau.
Theo tôi, quyết định này của ông Trump liên quan đến 2 vấn đề, đầu tiên là vụ điều tra rò rỉ email của bà Clinton hiện đã khép lại và thứ hai là quá trình điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử 2016.
Có thể, ông Trump không muốn câu chuyện điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử 2016 tiếp tục nên đã đưa ra quyết định sa thải.
Mục tiêu của ông Trump trong quá trình tranh cử được thể hiện rõ ràng là muốn cải thiện quan hệ với Nga nhằm giải quyết vấn đề khủng bố và ổn định khu vực châu Âu.
Trong khi đó, những lùm xùm quanh chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ sẽ khiến quá trình này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Mỹ — Nga.
Nếu FBI hoặc tổ chức nào đó điều tra và khẳng định được điều này, hệ lụy của nó sẽ rất lớn vì đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia khác can thiệp vào vấn đề chính trị rất cơ bản của Mỹ.
Do đó, có thể ông Donald Trump nhận thấy quá trình điều tra này có thể ảnh hưởng đến uy tín của mình cũng như quan hệ Mỹ — Nga nên không muốn ông Comey tiếp tục câu chuyện này.
Theo tôi, ông Trump cho rằng cuộc điều tra này ảnh hưởng không tốt đến những tính toán chiến lược và uy tín của mình nên quyết định sa thải James Comey.
- Vậy khi FBI có giám đốc mới, liệu quá trình điều tra Nga can dự vào bầu cử Mỹ liệu có được tiếp tục hay sẽ biến đổi thế nào, thưa ông?
Nhưng Mỹ là một quốc gia dân chủ, nếu lãnh đạo mới của FBI không tiếp tục điều tra, sắn sàng có những tổ chức, cơ quan khác làm công việc này.
Hiện nay, chưa thể nói rõ kết quả của cuộc điều tra. Tuy nhiên, nếu thông tin Nga can thiệp được xác nhận thì sẽ rất nghiêm trọng.
Giới chuyên gia Mỹ nói rằng, nguyên tắc đầu tiên khi làm chính trị ở Washington là không đối đầu FBI, theo ông, quyết định này của ông Trump có khiến chiếc ghế tổng thống bị đe dọa?
Nhận định này không sai, tuy nhiên vấn đề ông Trump không nên đối đầu nhất là báo chí, truyền thông nhưng ông ta đã đối đầu.
Điều này có 2 hàm ý, thứ nhất, ông Trump là người quyết đoán, sẵn sàng giải quyết các vấn đề của mình, thứ hai, có thể ông ta đang cảm thấy bất an nên buộc phải giải quyết sớm.
Khi đối FBI, dù có chuyện gì xảy ra, quá trình giải quyết cũng theo một trình tự nhất định và có thể kiểm soát được.
Nhưng dù sao, quyết định này của ông Trump đã để lại ấn tượng không tốt. Điều này cho thấy bộ máy của Donald Trump vẫn đang còn trục trặc trong quá trình triển khai quyền lực.
Vậy xét về góc độ cá nhân, ông Comey liệu có dùng những bí mật khi còn lãnh đạo FBI để đáp trả, thưa ông?
Khi trả lời phỏng vấn, ông Comey khẳng định mình hoàn toàn độc lập khi điều tra sự can dự của Nga và bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên, ông Comey về cơ bản là người trung tính trong các vấn đề chính trị nên cuộc điều tra này được thực hiện theo tinh thần trách nhiệm của vị trí Giám đốc FBI.
- Từ khi lên nắm quyền, ông Trump không thiếu những quyết định gây sốc, đặc biệt là sa thải giám đốc FBI bằng quyền lực vốn được ví như 'thượng phương bảo kiếm' chỉ sử dụng khi tối cần thiết, theo ông tương lai của Donald Trump sẽ thế nào nếu các hành động tương tự vẫn tiếp diễn?
Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đang phải làm quen với cách quản lý của ông Trump. Khi có điều gì đó không đồng quan điểm, ông Trump sẽ thay đổi ngay.
Điều này thể hiện sự quyết đoán của Donald Trump. Nhưng về khía cạnh khác, đây cũng có thể là điểm yếu của tỷ phú này khi các hành động được thực hiện quá quyết đoán.
Trong kinh doanh, Donald Trump là người quyết đoán, luôn xử lý nhanh và đem lại hiệu quả ngay.
Nhưng với chính trị, cần phải có sự kiên nhẫn nhất định để đạt được sự đồng thuận chung. Về điểm này, có thể nói ông Trump yếu hơn so với các chính trị gia khác và đang thiếu kiên nhẫn chính trị.
- Trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái, các cử tri Mỹ lựa chọn ông Trump với hi vọng có nhiều thay đổi tích cực, tuy nhiên, sau vài tháng nắm quyền, thống kê cho thấy tỷ lệ ủng hộ tổng thống Mỹ đang suy giảm, vậy theo ông, tương lai nước Mỹ sẽ như thế nào nếu cách quản lý của ông Trump không có sự thay đổi?
Các xu hướng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, giảm thâm hụt ngân sách hay tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ cần có thêm thời gian để đạt được hiệu quả.
Còn về khía cạnh quản lý, ông Trump đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Kể từ khi tranh cử đến nay, Donald Trump đã có những điều chỉnh và tham khảo trong các vấn đề chính trị.
Theo tôi, quá trình điều hành trong tương lai, những chính sách của ông Trump sẽ sớm quay về với tính chất truyền thống, nghĩa là có sự tham khảo nhiều hơn trong triển khai chính sách.
Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ trao đổi nhiều hơn chứ không còn tình trạng thích là nói, thích là làm như thời gian trước đây.
Bài viết phản ánh ý kiến cá nhân của chuyên gia Việt Nam PGS. TS. Cù Chí Lợi, không phản ánh quan điểm của Sputnik.
Nguồn: VTCNews