Tờ báo này dẫn nguồn tin trong giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ viết rằng một số lượng đáng kể các trại của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Iran nằm dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Trong các trại này có khoảng 800-1000 chiến binh người Kurd." — nguồn tin cho biết. Theo ông, họ đến Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành các cuộc tấn công và quay trở về.
"Để ngăn chặn các sự cố như vậy, chúng tôi dự định xây dựng một bức tường 70 km trên các tỉnh biên giới Agrı và Igdır giáp với Iran, trên phần còn lại của biên giới sẽ xây dựng các tháp canh, hàng rào kim loại, căng dây thép gai và bố trí đèn pha" — nguồn tin của Hurriyet Daily News nói thêm.
Chính quyền Tehran không có phản ứng chính thức đối với thông tin này. Tuy nhiên, theo tờ Ettelaat của nhà nước Iran, Bộ Ngoại giao Iran phẫn nộ trước vấn đề đó. Một nguồn tin từ Bộ yêu cầu giấu tên, nói rằng chính phủ Iran được biết về kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng Ankara nên thông báo chính thức cho Tehran về các biện pháp được thực hiện trên biên giới chung và phải được sự đồng ý của phía Iran.
Nhưng liệu những kẻ khủng bố đến từ Iran có thực sự là mối đe dọa cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không?
"Iran không gây ra mối đe dọa nào cho nước láng giềng, ngược lại, ngày nay Iran là bảo đảm an ninh và là biểu tượng cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông", — nhà khoa học chính trị Iran Hassan Hanizadeh, chuyên gia về Trung Đông, cựu tổng biên tập hãng thông tấn Iran MehrNews cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
"Về toàn diện, việc xây tường trên biên giới chung của hai nước không bảo đảm an ninh cần thiết. Như được biết, cốt lõi của sự ổn định và an ninh của đất nước nằm trong sự đoàn kết dân tộc. Các sự kiện gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là chính sách nội bộ của chính phủ tổng thống Recep Erdogan gây ra sự bất mãn và mâu thuẫn nội bộ sâu sắc. Ở nước này có khoảng 20 triệu người Kurd bị đẩy đến khu vực biên giới. Như vậy, theo chính sách nội bộ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm dân tộc này bị tước đoạt quyền dân tộc và quyền tự do xã hội tối thiểu. Yếu tố này không thể không gây rối loạn và mâu thuẫn trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, biện pháp của Thổ Nhĩ Kỳ xây tường trên biên giới sẽ không thể mang lại an ninh trong nước. Hơn nữa, ý tưởng đó dường như vô cùng ngớ ngẩn. Iran là một trong số ít các nước ổn định ở Trung Đông, với mức độ cao về an ninh. Iran thách thức khủng bố và không ngừng tham gia cuộc đấu tranh chống lại cái ác chưa từng có này. Iran không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào, nhất là đối với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Các mối đe dọa như chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nêu lên đơn giản là không hề tồn tại. Do vậy, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ dẫn đến việc nước này bị cô lập chính trị" — chuyên gia Hassan Hanizadeh cho biết.
Chuyên gia cho rằng, về phần mình, Iran đã làm tất cả các biện pháp có thể để củng cố biên giới chung, và các biện pháp này không nhằm chống lại nước láng giêng của họ là Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, luật pháp quốc tế bắt buộc bất kỳ mọi quốc gia phải có hành động được thỏa thuận với các nước khác trong khu vực biên giới chung. Không chỉ cần thông báo cho nước láng giềng biết về những hành động được thực hiện tại biên giới chung, mà cần được sự đồng ý của nước đó. Trong trường hợp này, theo các quy tắc luật pháp quốc tế, để xây dựng bức tường nhiều km dọc theo biên giới chung, Thổ Nhĩ Kỳ cần được sự đồng ý của chính quyền Iran. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.