Trong số này, người có lợi thế nhất là quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe, nhưng đối với ông Trump, giờ cuối mới biết chắc chắn ai là người nắm giữ cương vị quan trọng này.
Kể từ năm 1968, Giám đốc FBI thường giữ vị trí trong nhiệm kỳ 10 năm và không được tái bổ nhiệm. Tổng thống sẽ là người đề cử chức vụ quan trọng này và Thượng viện sẽ thông qua đề cử cuối cùng. Ngày 17/5 (giờ VN), AP và BBC News đưa ra danh sách các ứng viên:
Ông McCabe giữ chức Phó Giám đốc FBI từ tháng 1/2016. Khi còn học trong trường luật, ông đã thực tập tại Vụ Hình sự thuộc Bộ Tư pháp Mỹ. Tiếp đó, ông làm việc cho một công ty luật tại Philadelphia trong vòng 3 năm rồi gia nhập FBI. Vợ của ông McCabe- bà Jill, là một thành viên đảng Dân chủ đã tham gia cuộc đua giành ghế trong thượng viện Mỹ năm 2016. Ngày 11/5, trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông khẳng định rằng các nhân viên FBI vẫn tin tưởng cựu Giám đốc James B. Comey và cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Thẩm phán Michael J. Garcia: người New York, là một trong 4 ứng cử viên tham gia phỏng vấn cùng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod. J. Rosenstein hôm 13/5. Nếu trở thành Giám đốc FBI, ông Garcia sẽ là người gốc Latin đầu tiên trong lịch sử đảm nhận vị trí này.
Mike Rogers: Cựu nghị sĩ bang Michigan Mike Rogers được bảo trợ bởi Hiệp hội đặc vụ FBI, tổ chức đại diện cho hàng nghìn cựu nhân viên cũng như thành viên hiện tại của cơ quan này. Cựu chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện này từng là đặc vụ FBI và quân nhân Mỹ. Hiệp hội đặc vụ FBI miêu tả ông Rogers là "người có khả năng đương đầu với nhiều thử thách".
Thượng nghị sĩ John Cornyn: Thành viên đảng Cộng hòa, đã từng được đề cử vào Tòa án tối cao bang Texas năm 1990. Ông Cornyn vào Thượng viện Mỹ kể từ năm 2002 và hiện là thành viên của cả Ủy ban Tình báo và Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ. Theo AP, ông Cornyn có chủ trương không cần lập nhóm điều tra đặc biệt về cáo buộc mối liên hệ giữa Nga và cuộc vận động tranh cử của ông Trump năm 2016, do đó, ông là một ứng viên tiềm năng.
Thượng nghị sĩ Trey Gowdy: 52 tuổi, được ghi nhận về vai trò trong cuộc điều tra đặc biệt đối với vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya năm 2010. Ông cũng là người giám sát Ủy ban của Hạ viện Mỹ đảm nhận điều tra về vụ việc Benghazi từ năm 2014-2016, dẫn tới việc khám phá ra bê bối cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân trong việc công.
Alice Fisher: Theo truyền thông Mỹ, nữ luật sư này là ứng cử viên đầu tiên được Bộ Tư pháp phỏng vấn cho vị trí Giám đốc FBI. Bà Fisher từng điều hành vụ hình sự trong vai trò trợ lý bộ trưởng dưới thời cựu Tổng thống George W Bush. Nếu được lựa chọn, bà Fisher sẽ là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu FBI.
Henry E Hudson: Thẩm phán bang Virginia, được bổ nhiệm bởi Tổng thống George W Bush. Ông được biết đến vì đã từ chối một điểm then chốt trong Luật chăm sóc sức khỏe năm 2010 của Tổng thống Barack Obama.
Trong danh sách còn có: Bà Francis Townsend, từng là cố vấn an ninh chống khủng bố dưới thời Tổng thống George W. Bush; Adam Lee, nhân vật đứng đầu văn phòng FBI tại Richmond, bang Virginia; William Evanina, Giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián tại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI); Paul Abbate, hiện đóng vai trò lãnh đạo Chi nhánh về Tội phạm, Công nghệ, Phản ứng nhanh và Dịch vụ của FBI; Michael Anderson, đứng đầu FBI tại Chicago; Michael Luttig, cựu luật sư của Bộ Tư pháp thời Tổng thống George H. W. Bush; Larry Thompson, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp thời Tổng thống George W. Bush; Ray Kelly, từng dẫn dắt Sở cảnh sát New York trong hơn một thập niên và John Suthers, Thị trưởng Colorado Springs từng đóng vai trò Tổng chưởng lý bang Colorado từ 2005-2015.
Nguồn: nguoitieudung