Liên quan đến việc bán đấu giá chiếc Boeing 727 bị bỏ rơi 10 năm qua ở sân bay Nội Bài — Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa cho phép Cục Hàng không Việt Nam toàn quyền quyết định về giá khởi điểm bán đấu giá chiếc máy bay này.
Sáng 18/5, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền xác định giá khởi điểm, đồng thời là cơ quan có tài sản bán đấu giá được phép thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xem xét trước khi quyết định.
''Chi phí thuê các tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá tài sản để xác định giá khởi điểm sẽ được tính vào chi phí xác định giá tài sản để bán đấu giá và được chi trả từ số tiền thu được do bán đấu giá tài sản'', lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Theo quy định, cần định giá khởi điểm trước khi đưa ra bán đấu giá. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam lại không đủ điều kiện để tự thực hiện việc định giá tài sản, do đó sẽ phải thuê các tổ chức chuyên môn có chức năng thẩm định giá.
Đấu giá không đủ, dùng ngân sách bù lỗ
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đơn vị trực tiếp thực hiện bán đấu giá chiếc máy bay. ACV có thể tự thực hiện việc bán đấu giá hoặc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản.
Kinh phí bán đấu giá do ACV tạm ứng chi trả và sẽ được hoàn lại sau khi kết thúc việc bán đấu giá. Sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá, nếu còn tiền thì số tiền này sẽ được nộp cho ngân sách trung ương.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật. Việc quản lý số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản sau khi trừ chi phí liên quan (nếu có) được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, Bộ GTVT đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định.
Trước đó, từ tháng 5/2007, máy bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội — Siem Reap — Hà Nội vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài.
Nhà chức trách hàng không Việt Nam đã nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không có liên hệ nào.
Đến nay hãng hàng không này đã bị thu hồi, tàu bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Được biết, khoản chi phí lưu chỗ của máy bay tại sân bay Nội Bài đã lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Bán sắt vụn cũng được 10 tỷ
Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống — Nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng:
''Hiện nay chúng ta phê duyệt đấu giá bán tuy muộn nhưng vẫn phải giải quyết, mà một chiếc máy bay như vậy khó sử dụng hoặc sửa chữa để bay lại, chỉ có thể làm thịt ra, phụ tùng làm được thì bán, còn những phần không đạt yêu cầu dùng thì bán phế thải".
Số tiền chi trả cho bãi đậu lên tới 10 tỷ đồng, mà lại có trường hợp nêu ra bán đấu giá máy bay không đủ tiền chi trả, theo vị chuyên gia hàng không này thì con số bán được 10 tỷ đồng (khoảng 500.000 USD), đối với một chiếc máy bay như Boeing phá ra chỉ bán sắt vụn cũng đã được số tiền đó.
Vì thế sẽ rất vô lý nếu cho rằng không bán được số tiền 10 tỷ đồng, đơn giản chỉ cần biết rằng, chiếc máy bay này còn bay được và hạ cánh được xuống sân bay Nội Bài, dù 10 năm để đó, thì nó vẫn có giá trị sử dụng. Ngoài vấn đề bị ảnh hưởng bởi thời gian, một số phụ tùng han gỉ, nhưng có lợi thế không hao mòn máy móc, còn nằm đó thì không hao mòn.
"Theo tôi, nếu đưa ra trường hợp không bán được 10 tỷ đồng thì phải tính đến cả khả năng có dụng ý bán giá thấp, vì đã có nhà nước bù lỗ chuyện bãi đỗ.
Trong khi đó, chỗ máy bay này đang đỗ phải là đơn vị chịu trách nhiệm từ đầu, không bán được phải chịu, đừng đổ trách nhiệm cho nhà nước, tiền bán được cũng không trả tiền bãi đỗ cho họ, chứ chưa nói đến chuyện ngân sách phải bù tiền", ông Tống nói rõ.
Nguồn: Báo Đất Việt