Bước ngoặt lớn đối với ngành khoa học công nghệ vũ trụ nước nhà
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Xuân, nguyên Trưởng bộ môn máy bay — động cơ (Khoa Kỹ thuật hàng không, Học viện Phòng không — Không quân) cho biết, thời gian qua, ông vẫn thường xuyên theo dõi, được thạc sỹ Phạm Gia Vinh chia sẻ, thông tin về sản phẩm "phi thuyền không gian".
"Không đơn giản mà Australia lại cấp phép bay thử nghiệm đối với thiết bị của Vinh mà phải trải qua nhiều điều kiện kiểm tra khắt khe cũng như có tiếng tăm, kết hợp với đơn vị có tiếng…Tôi cũng biết, Vinh đã ấp ủ từ rất lâu về việc chế tạo khí cụ bay này và để làm được, cậu phải lăn lộn, vất vả tự tạo nguồn tài chính. Đồng thời, quá trình làm việc rất nghiêm túc, tự nghiên cứu, thực hiện tất cả các khâu từ thiết kế, lai ghép, tích hợp, thử nghiệm… thiết bị, khiến bản thân tôi rất nể phục. Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ngay nhiều nước trên thế giới, với các công ty tư nhân như dạng của Vinh cũng chưa chế tạo được một khí cụ bay dân sự nào có thể đạt đến trần bay 30km như thế này cả. Khí cụ này đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng, sánh ngang với một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ chế tạo khí cụ bay có trần bay trên 30 km như Mỹ, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ…", Đại tá Xuân nói.
Từng làm chủ nhiệm đề tài thiết kế, chế tạo khinh khí cầu bay trong quân đội, theo Đại tá Xuân, hai điểm quan trọng, khó nhất để sáng chế thiết bị "phi thuyền không gian" của thạc sỹ Phạm Gia Vinh là điều khiển và vật liệu.
"Về điều khiển, theo tôi được biết thì Vinh học thạc sỹ điều khiển ở Pháp, rất mày mò, thông minh nên tôi cho đã có lời giải. Tôi cũng được biết, Vinh đã có một đội ngũ riêng để làm, tích hợp các bộ phận cho điều khiển. Hệ thống này không khác gì dây chuyền lớn như của Viettel là đơn vị đang sản xuất các thiết bị UAV, thậm chí do Vinh chuyên về hàng không nên có nhiều cái tinh tế hơn", Đại tá Xuân nhận xét.
Với vật liệu, dù không được thạc sỹ Vinh cung cấp thông tin đầy đủ nhưng theo ông Xuân, thiết bị này cũng có cấu trúc khung vỏ, gân đai, lớp màng.
"Nếu như màng vỏ máy bay bằng nhôm thì ở thiết bị bay của Vinh là poly chất dẻo, tuy nhiên, do đang chế tạo, sản xuất nên tôi cũng không có đầy đủ thông tin. Nhưng việc làm được như thế và thiết bị bay lên được đến tầng bình lưu cho thấy việc sử dụng vật liệu đã được nghiên cứu rất kỹ", Đại tá Xuân chia sẻ.
Ông cũng nhìn nhận, theo nguyên tắc, quãng đường từ dưới mặt đất lên đến tầng bình lưu nếu dùng động cơ mà bay thì sẽ tốn rất nhiều năng lượng, nhiên liệu nên sẽ không mang được gì khác, do đó, dùng khí nâng là tốt nhất.
"Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là câu chuyện rò rỉ nên vật liệu sử dụng phải thật tốt cũng như công nghệ gia công các mối ghép nối phải chuẩn, ở đây, Phạm Gia Vinh đã làm rất tốt việc này", ông đánh giá.
Còn TS Vũ Quốc Huy, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hàng không & Vũ trụ, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nhận xét, "phi thuyền không gian" này là một bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học hàng không vũ trụ.
"Hiện, Việt Nam chưa có các khí cụ bay dân sự có thể đạt đến trần bay 30km. Nếu có thể sản xuất các khí cụ bay không người lái ở độ cao trên 30km, khoa học Việt Nam sẽ có đột phá trong nghiên cứu an ninh, quốc phòng", TS Huy nói.
Đưa người bay lên cùng phi thuyền: Sẽ rất khó khăn
Thạc sỹ Phạm Gia Vinh cho biết, phía Australia đã cấp phép thử nghiệm bay đối với "phi thuyền" của công ty Đông Giang lên tầng bình lưu và có người đi kèm.
Đại tá Xuân cho rằng, nếu việc bay thử nghiệm này thành công thì sẽ mang ý nghĩa rất lớn, nhất là trong việc có thể đưa người đi kèm.
"Ở đây, nếu đưa được người thành công thì câu chuyện từ sản phẩm khoa học sang thương mại sẽ rất gần nhau, bởi, yêu cầu cao nhất trong chế tạo vật bay là đưa được người lên. Chưa kể, việc thành công thì ngoài thương mại, tương lai phục vụ cho mục đích quân sự của thiết bị cũng sẽ rất tốt", ông Xuân nhận định.
Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân làm khoa học, ông bày tỏ, sự chưa thực sự tin việc có thể đưa người lên bằng thiết bị này.
"Ở đây, anh đưa vật nọ, vật kia lên thì không sao nhưng anh đưa người lên thì đã có Luật quy định rất cụ thể và ngoài công nghệ thông thường thì ở đây cần có cả sự kết hợp của công nghệ sinh học để đảm bảo an toàn cho người. Rất nhiều khó khăn, vấn đề an toàn khác cũng cần đặt ra. Trước đây, Vinh cũng đã đưa chuột lên thành công nhưng với chuột thì thể tích, không gian rất nhỏ nên anh tạo ra mini khí hậu cho nó sống đơn giản còn con người nó khác, anh phải đảm bảo sinh tồn cũng như việc phải cho người ta thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo bay đòi hỏi…Tôi cũng hy vọng Vinh sẽ làm tốt việc này", ông chia sẻ.
Trước ý kiến, các thiết bị bay như "phi thuyền không gian" của thạc sỹ Phạm Gia Vinh đang gặp khó trong việc xin cấp phép bay thử nghiệm ở Việt Nam, Đại tá Nguyễn Minh Xuân thừa nhận việc này.
Đồng thời, cho rằng, việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó, từ phía cơ quan quản lý thì chưa nắm được hết, rõ cũng như tính cần thiết của các thiết bị bay này.
Còn từ phía người chế tạo cũng như thuyết minh được tính cấp bách, đặc biệt cũng như tính toán khả năng gây nguy hiểm của thiết bị bay này.
"Thực tế, đối với các thiết bị bay này nhiều người vẫn chưa tính hết được sự nguy hiểm nếu xảy ra sự cố về an ninh, an toàn hay quốc phòng. Do đó, theo tôi, với thiết bị bay như của Vinh khi được Australia cấp phép bay thử nghiệm thì có thể mời thêm các chuyên gia của Việt Nam sang theo dõi để có cái nhìn toàn diện, khách quan, chính xác về sản phẩm, để từ đó, họ sẽ về báo cáo các cơ quan quản lý trong nước", ông Xuân bày tỏ.
Nguồn: Trí Thức Trẻ