Sáng 23/5, Quốc hội nghe trình và có phiên thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình 2018 và điều chỉnh 2017.
Tờ trình của UB Thường vụ Quốc hội về vấn đề này do Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định điểm lại một số vấn đề cần được Chính phủ báo cáo cụ thể hơn.
Ông Định nêu ra vấn đề, tại kỳ họp thứ 2, sau khi xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Về hội, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại để báo cáo Quốc hội, nhưng đến nay Chính phủ chưa có hồi âm cụ thể.
UB Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước. Nhưng đến giờ cũng chưa biết tiến độ chuẩn bị ra sao, bao giờ trình.
Ngoài ra, việc dự án Luật Biểu tình chưa rõ thời hạn trình cũng khiến nhiều đại biểu sốt ruột khi thảo luận tại tổ.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Chính phủ chưa thực sự quan tâm đến một số dự án luật rất cần thiết, trong đó có Luật Về hội. "Quốc hội đã thảo luận Luật Về hội tại kỳ họp trước, sau đó nói là cần hoàn thiện và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, đến kỳ họp này lại không nói năng gì nữa" — đại biểu Xuyền ngạc nhiên.
Dự án tiếp theo mà ông Xuyền nhắc đến chính là dự án Luật Biểu tình.
Đại biểu tỏ ý sốt ruột:
"Đây là dự án luật được báo chí và cử tri rất quan tâm. Biểu tình là quyền công dân được hiến định từ Hiến pháp 1946 đến nay mà vẫn chưa được thể chế hoá".
Nhấn mạnh là dự án luật này chưa được Chính phủ quan tâm, ông Xuyền nói, biểu tình là quyền của dân nhưng không có hành lang pháp lý điều chỉnh cho bài bản thì không ai biết thực hiện thế nào là đúng thế nào là sai.
Đại biểu Xuyền cho rằng, vấn đề đã được hiến định thì Chính phủ phải quan tâm, nếu khó quá thì đưa ra ở mức độ nào thôi, không cầu toàn, nhưng phải đưa ra chứ không thể Quốc hội đã giao rồi mà không nói năng gì nữa cả.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) chia sẻ với nhận xét, Luật Về hội cứ nhập nhằng từ 1995 đến giờ, Luật Biểu tình cũng thế.
Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích, Hiến pháp đã hiến định 70 năm rồi nhưng Luật Về hội vẫn chưa làm. Còn với Luật Biểu tình thì từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 Thủ tướng đã công khai nói trước Quốc hội mà đến nay nhập nhằng mãi, trong khi đó hiện tượng biểu tình thì ngày càng nhiều mà không có luật điều chỉnh làm cho dân không biết đúng hay sai.
"Hôm vừa rồi tôi xuống Đồng Tâm, dân họ trách vì sao bây giờ mới xuống để cho dân cô độc, còn bị quy là chống đối, họ hỏi người đại diện cho họ đang ở đâu?" — ông Quốc kể và cho rằng nếu chỉ để cho bên hành pháp làm thì chắc chắn Luật Biểu tình sẽ thành luật chống biểu tình.
Ông Quốc nhận xét, nếu Quốc hội cứ để Chính phủ trình rồi bàn, đại biểu không trải nghiệm thì hạn chế đương nhiên khó tránh. Quốc hội phải tiến đến chỗ chủ động hơn, dù vai trò của Chính phủ vẫn mãi mãi quan trọng.
Một số vị đại biểu khác cũng đề nghị làm rõ vì sao dự án Luật Biểu tình đã được Quốc hội yêu cầu khẩn trương soạn thảo mà đến nay Chính phủ chưa nói gì.
Đại biểu Hoàng Bình Quân — Trưởng Ban đối ngoại Trung ương — cũng chung quan điểm về vấn đề này. Theo ông Quân, không nên tiếp tục suy nghĩ làm luật theo kiểu những gì cơ quan quản lý có thể làm thì bung ra mà cần phải tính làm gì để đáp ứng cái gì cuộc sống cần, tức đảm bảo tính thiết thực luật. Điều đó có nghĩa, luật có khó, có vướng nhưng cần thì cũng phải làm cho bằng được chứ không thể để một Bộ, một cơ quan chủ trì soạn thảo cứ xin lùi mãi chỉ với lý do việc chuẩn bị chưa ổn, chưa yên tâm.
Dẫn chứng với Luật Về hội — dự án luật có "số phận long đong" qua mấy nhiệm kỳ, ông Quân xác nhận, đây là luật khó vì đối tượng điều chỉnh rất rộng và tính chất nhạy cảm của nó. Tuy nhiên, điểm đáng xem xét lại là cơ sở nền tảng để xây dựng luật này là nghiên cứu một cách bài bản, khoa học về phương thức tổ chức, vận hành xã hội dân sự thì Ban Tuyên giáo Trung ương đã được giao làm suốt 2 nhiệm kỳ nay mà vẫn chưa thực hiện được.
Nguồn: Dân Trí