Liên quan đến việc nhiều nhiếp ảnh gia lên tiếng về việc bị "cầm nhầm" ảnh trong cuốn sách Chim Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn — đồng tác giả quyển sách — đã phản hồi với báo Tuổi Trẻ qua email.
Ông Sơn đã trần tình: "… dù mục đích gì, về nguyên tắc cũng phải chú dẫn nguồn ảnh cụ thể. Đây là sai sót mà chúng tôi phải rút kinh nghiệm".
Và xử lý phần bản quyền ảnh "… Sau một thời gian nếu phía nhà xuất bản không nhận được ý kiến từ các tác giả ảnh có trong sách, chúng tôi hiểu rằng các tác giả không đồng ý và xin phép được đưa các ảnh đó ra khỏi sách".
Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn phản ứng khi được hỏi liệu có đồng ý với cách giải quyết mà ông Sơn đề xuất là gửi email xác nhận việc đồng ý sử dụng ảnh không, ông Nguyễn Tuấn lắc đầu: "Không, chẳng khác nào chúng tôi "xin" được vi phạm bản quyền?".
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu — một người có ảnh bị lấy in sách — cũng chia sẻ quan điểm với đồng nghiệp Nguyễn Tuấn và đặt câu hỏi: "Chúng tôi là những người bị xâm phạm bản quyền ảnh, giờ chúng tôi phải gửi email, điền "đơn" để "được" xâm phạm ảnh hay sao?".
Còn tác giả Nguyễn Hoài Bảo — người phát hiện trên 20 bức ảnh của mình bị xâm phạm bản quyền trong quyển Chim Việt Nam — nói: "Chưa nói là chuyện in sách, ngay cả trong giảng dạy trước sinh viên, mỗi bức ảnh tôi sử dụng để chiếu slide đều phải xin phép, đề tên tác giả. Chuyện này lúc đầu chúng tôi nghĩ nên dừng lại, nhưng lời xin lỗi và hướng giải quyết không thỏa đáng khiến chúng tôi càng thêm bức xúc. Anh em chúng tôi đã đi đến bước là mời luật sư để chuẩn bị những bước tiếp theo, quyết tâm không dừng sự việc lại ở đây!".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ