Lợi ít đi
Trong khuôn khổ diễn đàn APEC, ngày 21/5, Nhật Bản và các thành viên còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí theo đuổi thỏa thuận này mà không cần có sự tham gia của Mỹ, quốc gia vốn giữ vai trò đi đầu trong thỏa thuận này.
Chuyên gia kinh tế — TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đây là động thái tích cực, là nỗ lực của các thành viên còn lại trong TPP nhằm tiếp tục thực hiện thỏa thuận mà Mỹ đề ra.
"Các nước còn lại khó bỏ TPP vì TPP tạo ra thị trường toàn cầu và có ảnh hưởng rất lớn. Việt Nam chắc chắn sẽ hưởng rất nhiều lợi ích từ TPP, không những về quan hệ mậu dịch mà chính trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có những thay đổi đáng kể để phù hợp với những quy định, yêu cầu của TPP nếu thỏa thuận thành công. Tuy nhiên, mặt không tích cực của TPP không có Mỹ, đó là thị phần của TPP trên tổng mậu dịch thế giới rất khiêm tốn. Trước đây, nếu có Mỹ, TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới, trong đó Mỹ đã chiếm khoảng 20%. Nếu không có Mỹ, thị phần của TPP trên tổng mậu dịch thế giới chỉ khoảng 20%. Dù vậy, 20% còn lại vẫn là thị trường đáng kể dù suy giảm nhiều so với kế hoạch ban đầu", TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.
Phân tích sâu hơn về thị trường của TPP không có Mỹ, vị chuyên gia dẫn chứng, Việt Nam mất nhiều cái lợi bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Dĩ nhiên Việt Nam không mất đi toàn bộ thị trường và Việt Nam vẫn có những thỏa thuận song phương với Mỹ nhưng sẽ không thuận lợi như khi TPP có Mỹ.
"Trước kia có một số phân tích cho rằng, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất vì trong 12 thành viên TPP trước kia, Việt Nam là nền kinh tế thị trường không hoàn hảo nhất. Khi TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn có lợi nhưng không còn nhiều lợi như trước kia. Vậy nước nào được hưởng lợi nhiều nhất? Có lẽ không phải là Việt Nam. Trong 11 thành viên của TPP mới không có thành viên dẫn đầu như trước kia và trước kia các nước đều trông chờ ở Mỹ như một thị trường mở rộng, đặc biệt họ rất quan tâm đến vấn đề mậu dịch với Mỹ. Nếu không có Mỹ nữa, các nước sẽ tập trung vào thị trường của những thành viên còn lại. Thay vì trước kia nước hưởng lợi là những nước nhỏ, trông chờ vào thị trường Mỹ, giờ đây nước hưởng lợi nhiều nhất chính là nước có nền kinh tế mạnh trong TPP mới. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế tương đối đóng và là nước có GDP nhỏ nhất trong các thành viên của TPP. Với vị trí ấy, khi gia nhập Việt Nam phải chịu tất cả những điều kiện của TPP, thay đổi từ thể chế đến những vấn đề về lao động, công đoàn… trong khi lợi ích thì như nói ở trên, Việt Nam không phải là nước có nhiều lợi ích như trước kia", ông Hiếu phân tích.
Nhật khó lĩnh xướng
Nhìn vào danh sách 11 thành viên của TPP không có Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thấy có 3 nước mạnh nhất gồm: Úc, Nhật Bản và Canada. Trong đó, xét về kinh tế, Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất. Tuy nhiên, về vị thế chính trị, ngoại giao, địa dư chính trị, Úc và Canada có tầm ảnh hưởng mạnh hơn.
Bởi thế, dù Nhật có thể vẫn đóng vai trò tích cực nhưng ông nhận định, Úc có thể là người đứng ra chủ trì TPP mới.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, không loại trừ trường hợp Trung Quốc hay Nga sẽ tham gia vào TPP mới nhưng điều đó không dễ dàng.
"Nga không phải là nền kinh tế thị trường hoàn hảo để có thể dẫn dắt TPP vì TPP là thị trường mở, cần một đầu tàu rất mạnh về kinh tế thị trường. Do đó, nói về mặt thực lực kinh tế và mậu dịch, Nga chưa đủ tầm để dẫn dắt TPP. Trong khi đó, xét về thực lực kinh tế, thương mại, mậu dịch, Trung Quốc có thể thay thế được vai trò của Mỹ. Nhưng một TPP có Trung Quốc có lẽ không thuận lợi lắm cho các thành viên còn lại vì họ ngại ảnh hưởng của Trung Quốc. Với Mỹ, các nước biết chính phủ Mỹ, ở bất cứ thời đại nào, tinh thần làm việc cũng như quan hệ mậu dịch thông thoáng hơn nhiều, còn Trung Quốc là nỗi e ngại lớn về ảnh hưởng chính trị. Hiện Trung Quốc đang mời gọi các quốc gia tham gia vào một thỏa thuận có tên hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là một thỏa thuận dự kiến có sự tham gia của nhiều nền kinh tế hàng đầu châu Á. RCEP có lợi hơn cho Trung Quốc vì đó là cái mà họ chủ trì. Vì thế, nếu được mời, có thể Trung Quốc sẽ tham gia TPP với một vai trò nào đó nhưng TPP không phải là đứa con tinh thần nên Trung Quốc không mặn mà lắm. RCEP mới là cái được Bắc Kinh ưu tiên nhiều hơn", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nguồn: Báo Đất Việt