Sáng 25/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, công tác quản lý nợ công thời gian qua bộc lộ một số bất cập chủ yếu như nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ.
Trong đó, đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001). Ba chủ nợ lớn nhất của Việt Nam hiện nay, theo Bộ trưởng Tài chính, là Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Theo Bộ Tài chính, vay nợ tăng lên nhưng việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
"Trên thực tế, đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ tích lũy phải ứng trả thay…", ông Dũng cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép.
Nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP. Trong đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Nguồn: Zing.vn