Qúa trình và kết quả chuyến thăm này được phản ánh rộng rãi trên báo chí Việt Nam và nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên và là nhà lãnh đạo châu Á thứ 3 gặp và hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Điều này cho thấy rằng, Việt Nam trở thành một trụ cột quan trọng của Washington trong khu vực.
Ngay những giờ phút đầu tiên sau khi kết thúc cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo Việt-Mỹ trong Nhà Trắng, Sputnik đã tiến hành cuộc phỏng vấn độc quyền với chuyên viên phân tích chính trị quốc tế nổi tiếng của Việt Nam — GS-TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia) Hà Nội.
Ông Phạm Quang Minh nhận xét: Nhìn dưới góc độ quan hệ chính trị, Việt Nam đã có thành công mới nổi bật với chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo các nước ASEAN tới Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Điều đó thể hiện vị trí quan trọng và vai trò ý nghĩa của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm đã đạt mục đích mà trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, là nhằm làm sâu sắc thêm "quan hệ đối tác toàn diện" mà hai bên đã thiết lập từ năm 2013 trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là ông Trương Tấn Sang, duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của toàn khu vực. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của những tiếp xúc cấp cao để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin chiến lược trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khôn lường. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh thông điệp hai nước Việt-Mỹ đã vượt qua nhiều cam go, thách thức, khác biệt để trở thành đối tác toàn diện với động lực mới là phát triển quan hệ thương mại-đầu tư song phương vì lợi ích của cả hai quốc gia.
Xét từ góc độ quan hệ kinh tế song phương sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa kết quả cụ thể của chuyến thăm này, — GS-TS Phạm Quang Minh lưu ý. Tình trạng mất cân đối thương mại đang là mối lo của hai quốc gia. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng kim ngạch lên đến 50 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất siêu sang Mỹ tới 32 tỷ USD. Tăng nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và dịch vụ từ Mỹ, đồng thời Việt Nam cũng cần chú trọng giải quyết tình trạng xuất siêu của nước mình và thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa. Tổng giá trị các hợp đồng nhiều tỷ USD mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo cơ sở ý nghĩa cho hướng hoạt động kinh tế như vậy. Về đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện là 10,2 tỷ USD. Còn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện là 10,2 tỷ USD, xếp thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ. GS-TS Phạm Quang Minh tâm đắc với nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh rằng các dự án đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không đi ngược chủ trương "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump mà trái lại, là có lợi cho cả đôi bên. Thủ tướng đã nêu ví dụ, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 138 triệu đôi giày, nhưng ở mỗi đôi giày Nike đó Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD là Mỹ hưởng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính sách đổi mới của Việt Nam tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ và lúc này chính là thời gian chín muồi cho các doanh nghiệp Mỹ vào làm việc trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, các ngành sản xuất và dịch vụ của Việt Nam. Chắc chắn Tổng thống Trump và các nhà kinh doanh Mỹ không thể bỏ qua những đặc điểm lợi thế của Việt Nam là thị trường mới nổi, dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao và có sức cạnh tranh hấp dẫn.
Đánh giá kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam dưới góc độ quốc tế-khu vực, chuyên viên Phạm Quang Minh nhận xét: Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn Mỹ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp ổn định hoà bình, an ninh, thịnh vượng của khu vực, góp phần giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế, không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước mà của cả cộng đồng ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam chờ đón chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC do Việt Nam tổ chức vào tháng 11/2017, góp phần làm cho Hội nghị được thành công.
Tóm lại, Việt Nam được gì qua chuyến thăm này? Như đánh giá của GS-TS Phạm Quang Minh, Việt Nam nhận được sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế, tạo sự cân bằng, nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế trong cộng đồng ASEAN và trong quan hệ với các nước lớn tại khu vực.
Chủ đề chính tại cuộc hội đàm ở Washington là những vấn đề thương mại và quan hệ kinh tế. Hà Nội cảm thấy thất vọng vì Hoa Kỳ rút khỏi TPP — một thỏa thuận mở rộng khả năng của Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ. Bây giờ Hà Nội muốn ký kết với Mỹ hiệp định kinh tế song phương. Nhưng, trong cuộc hội đàm lần này hai bên không đề cập đến vấn đề này. Tại cuộc gặp với các doanh nhân Mỹ, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết những hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ trị giá 15 đến 17 tỷ USD sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ. Song, kết quả cuối cùng là ít hơn dự đoán. Sau chuyến thăm này, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng, có 13 hợp đồng thương mại mới với Việt Nam tổng trị giá 8 tỷ USD. Trong đó có hợp đồng về cung cấp các thiết bị công nghệ cao cho Việt Nam, mà theo dự đoán, các hợp đồng này sẽ tạo ra khoảng 23.000 việc làm cho Hoa Kỳ.
"Đó chính là mục tiêu mà ông Trump đã nói tới trong chiến dịch vận động tranh cử, là cơ sở của chiến lược kinh tế do ông đề xuất: ngành sản xuất đang trở về Mỹ, mang lại việc làm cho nước Mỹ, củng cố sức mạnh kinh tế của nước Mỹ", — nhà Đông phương học Nga nổi tiếng, GS-TSKH Lịch sử Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Viễn Đông của Đại học Saint Petersburg, cho biết.
Quan hệ thương mại Việt Nam — Hoa Kỳ đã mất cân đối nghiêm trọng: thâm hụt thương mại song phương của phía Mỹ đã đạt 32 tỷ USD và tiếp tục tăng lên. Chính quyền Mỹ không hài lòng với điều đó và có ý định tiếp tục làm việc với Việt Nam để giảm thiểu mất cân bằng. Do đó, các hợp đồng đã được ký kết trong thời gian chuyến thăm Mỹ, theo Reuters, "được đánh giá là tốt nhưng chưa đủ".
Ngoài quan hệ thương mại, Hà Nội và Washington cũng tích cực phát triển sự hợp tác quân sự. Ngày 22 tháng 5, như một phần của viện trợ Mỹ cho Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã nhận được 6 tàu tuần tra cao tốc lớp Defiant, vào ngày 25 tháng 5 — tàu tuần tra Morgenthau thuộc lớp Hamilton. Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng, hai bên đã trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam.
Bình luận về nội dung này, chuyên gia hàng đầu của Nga về nền kinh tế Việt Nam, GS-TSKH Vladimir Mazyrin nhắc lại câu nói của chính trị gia Mỹ thế kỷ 18 Fisher Ames:
"Dân tộc nào tìm kiếm người bảo trợ sẽ chỉ tìm được ông chủ". "Việt Nam đã tìm được người bảo trợ, đó là Hoa Kỳ, Mỹ sẽ giúp Việt Nam trong cuộc đối đầu với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam rất muốn hội nhập hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu, mà Mỹ đóng vai trò lực lượng chính trong đó. Lịch sử cho thấy rằng, "sự bảo trợ" của Hoa Kỳ cho các nước đang phát triển không bao giờ trôi chảy một cách êm đềm. Đối với Việt Nam đây là "đường không dẫn tới đâu cả". Có những khả năng khác để củng cố quốc phòng, ngoài ra, mối quan hệ với Trung Quốc đang phát triển rất tích cực. Đặc biệt là trong tình hình kinh tế hiện nay khi mức nợ công sát trần và nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức cao, giới lãnh đạo nên suy nghĩ về việc trả hết các khoản nợ cũ chứ không phải về những khoản vay mới tại Hoa Kỳ", — chuyên gia Nga nhận xét.