Ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên giải thích các động thái của mình là nhằm phát triển lá chắn tên lửa hạt nhân để đối phó với nguy cơ đe dọa xuất phát từ giới quân sự Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Một trong những biểu hiện rõ nhất của mối đe dọa này là các cuộc tập trận mà quân đội Mỹ tổ chức thường niên trên bán đảo Triều Tiên. Trong những cuộc tập trận này, quân nhân Mỹ diễn tập hoạt động xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên và chiếm giữ thủ đô nước này. Bình Nhưỡng thường xuyên yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt các cuộc tập trận quân sự khiêu khích. Đổi lại, Bình Nhưỡng hứa hẹn sẽ không tiến hành các vụ thử hạt nhân. Nhưng Washington không chấp nhận đề nghị của Bình Nhưỡng.
Nhiều người cho rằng hành động của Bình Nhưỡng làm phức tạp hóa tình hình thế giới, đặt các nước trên bờ vực chiến tranh. Nhưng tại sao vụ thử tên lửa tương tự ở các nước khác không gây ra phản ứng lên án của cộng đồng thế giới?
Hồi cuối tháng Tư, Trung Quốc tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa tại vịnh Bột Hải.
Vậy mà không hề có ai trên thế giới lên án những "thí nghiệm" đó. Hóa ra ai đó có thể phát triển công nghệ tên lửa, còn ai đó thì không? Đây chẳng phải là tiêu chuẩn kép hay sao?
Trong việc lên án Bình Nhưỡng hiện nay thấy rõ có bàn tay của Washington. Trump kiên quyết đưa vấn đề Triều Tiên ran bàn bạc tại cuộc đàm phán với Tập Cận Bình ở California, tại buổi "làm việc" với Tổng thống Philippines Duterte. Và hội nghị thượng đỉnh ASEAN, được tổ chức tại Philippines cũng lên án ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Điều tương tự đã xảy ra ở Sicily, nơi mà "G7" đứng về phía Mỹ trong vấn đề Bắc Triều Tiên.
Nhiều nước thậm chí bắt đầu quên rằng trong sự ồn ào xung quanh mối đe dọa Bắc Triều Tiên, phía Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Hệ thống này bảo vệ Seoul và Tokyo trước tên lửa Bắc Triều Tiên. Nhưng liệu có thể đảm bảo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ không được sử dụng để chống Trung Quốc và Nga? Không hề và không thể có các đảm bảo như vậy.
Nói về mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, xin nhắc các bạn rằng khi phát biểu tại Đại hội mới đây của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng như phương tiện phòng thủ, có nghĩa là trong trường hợp gây hấn chống Bắc Triều Tiên. Như mọi người đều biết, năm 1945, Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống các thành phố của Nhật Bản, Mỹ đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống những người cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương, chống những người Cộng sản Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1958. Vậy cho nên chưa biết ai là mối đe dọa lớn hơn đối với thế giới — Washington hoặc Bình Nhưỡng.
Cộng đồng quốc tế rõ ràng là thiếu khách quan và thiếu khuyến nghị mang tính xây dựng để giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên. Áp lực đối với Bình Nhưỡng trong điều kiện các hành động quân sự của Mỹ không thể chỉ ra con đường dẫn đến hòa bình.