Năm quốc gia Ả Rập — Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Yemen — đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Lên tiếng tuyên bố đầu tiên về việc phá vỡ mối quan hệ với nước láng giềng là quốc đảo Bahrain. Trong thông báo do cơ quan chính thức của đất nước phát tán có lưu ý rằng Manama thực hiện bước đi đó là bởi Doha tiếp nối chính sách làm cho "tình hình an ninh và ổn định ở Vương quốc Bahrain bị chao đảo và có sự can thiệp của Qatar vào công việc nội bộ của nước này trong bối cảnh tiếp tục leo thang căng thẳng và sự khiêu khích trong giới truyền thông, hỗ trợ cho hoạt động khủng bố".
Chỉ vài phút sau tuyên bố của Bahrain, lại đến Riyadh, Cairo và Abu Dhabi cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Bahrain, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập cũng đình chỉ mọi lưu thông trên bộ, trên không và trên biển với nước láng giềng.
Đến lượt mình, ban chỉ huy liên minh Ả Rập do Saudi Arabia đứng đầu công bố chấm dứt phần tham gia của Qatar vào hoạt động quân sự ở Yemen — "do Doha ủng hộ các băng nhóm bất hợp pháp" "Al-Qaeda" và "Nhà nước Hồi giáo" (IS, bị cấm ở Nga). Sau đó, chính quyền Yemen, nước đang nhận sự hỗ trợ của liên minh Ả Rập, cũng cắt đứt quan hệ với Qatar.
Xích mích giữa Qatar và các nước láng giềng đã diễn ra một tuần sau hội nghị thượng đỉnh của Hoa Kỳ và các nước Ả Rập vùng Vịnh Ba Tư, tiến hành ở Er-Riyadh, khi hãng thông tấn Qatar công bố bài phát biểu nhân danh đại diện thủ lĩnh Hồi giáo của đất nước, nhiệt liệt tán thành việc xây dựng quan hệ với Iran. Trong khi đó, tại chính cuộc họp thì Saudi Arabia thay mặt tất cả các vị khách lại lên án Tehran có "chính sách thù địch".
Muộn hơn một chút, Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố rằng trang điện tử của cơ quan thông tấn nước này bị bẻ mã khóa đột nhập, và chính là các tin tặc đã mạo danh thủ lĩnh Emir đăng bài phát biểu kể trên. Tuy nhiên, Saudi Arabia, UAE và Bahrain coi lời phân trần cải chính đó là không thuyết phục và tiếp tục khăng khăng rằng chủ trương bình thường hóa quan hệ với Tehran thực sự do Tiểu vương Qatar nói lên.
Nhà khoa học chính trị, chuyên gia về Trung Đông và khu vực Kavkaz, ông Stanislav Tarasov trong cuộc phỏng vấn của Sputnik đã lưu ý đến chi tiết là cuộc khủng hoảng quan hệ giữa các chế độ quân chủ Ả Rập xảy ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh Ả Rập-Hồi giáo-Mỹ tại Er-Riyadh.
"Đó là cuộc khủng hoảng đầu tiên của liên minh mà Er-Riyadh cố gắng tạo ra trong thời gian chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia (20-21 tháng Năm) và cuộc gặp của Trump với các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập-Hồi giáo, — Hội nghị cấp cao mà tại đó đã công bố về nỗ lực tạo lập một tổ chức kiểu "NATO Sunni". Chỉ qua đi một khoảng thời gian ngắn, đã phát sinh cuộc khủng hoảng đầu tiên bên trong cấu trúc này", — chuyên viên Stanislav Tarasov nhận xét.
Theo quan điểm của chuyên viên, lý do cắt đứt quan hệ của loạt nước Ả Rập với Qatar thực ra nặng ký hơn nhiều so với cái cớ chính thức mà người ta nêu.
"Tại Syria hiện nay là bối cảnh ổn định tương đối, thiên về hướng có lợi cho lực lượng quân đội và chính giới Damascus, mà trong số các nước ủng hộ thì có Iran. Ở Yemen đang tiếp diễn chiến sự, lực lượng chống đối có thiện cảm với Iran đang đánh nhau chống liên minh Ả Rập do Saudi Arabia đứng đầu. Mà trên bán đảo Ả Rập từ lâu người ta đã nghi ngờ rằng Doha dành cái nhìn quá quan tâm về hướng Tehran. Vì thế xì-căng-đan xung quanh trang web của hãng thông tấn Qatar, dù bị tin tặc đột nhập hay là không hề có chuyện bị bẻ khóa, cũng chỉ là cái cớ hình thức. Nội tình sự thật ẩn sâu hơn nhiều. Dồn đọng một tổ hợp phức tạp, những mưu mô phức tạp. Trên bình diện chính trị-ngoại giao có thể chờ đợi những thế cờ xoay chuyển mau lẹ bất ngờ. Hiện tại chỉ một điều có thể nói chắc, là sẽ không nổ ra cuộc xung đột khu vực quy mô với sự tham gia trực tiếp của Iran và các chế độ quân chủ Ả Rập, bởi không hiện hữu điều kiện nào cho khả năng như vậy. Iran là cầu thủ cứng cổ rất đáng gờm, và các đối thủ của Tehran hiểu rõ điều đó", — chuyên viên Stanislav Tarasov nói với Sputnik.