Báo Tuổi trẻ cho biết:
"Ông Phạm Văn Thành lên thay thế nhiệm vụ của ông Son. Trong lúc sắp xếp lại chỗ ngồi, ông Thành bất ngờ phát hiện trong tủ nơi ông Son làm việc có rất nhiều bằng khen, huân chương, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công đã được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký vào năm 1975 và năm 1987 chưa được cấp phát cho các thân nhân gia đình. Theo ông Phạm Văn Thành, qua kiểm tra có tổng cộng 115 bằng khen, huân, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công các loại. Cụ thể, có 27 huân chương kháng chiến tặng cho liệt sĩ, 18 huy chương kháng chiến, 12 huân chương quyết thắng (liệt sĩ), 7 huân chương chiến sĩ vẻ vang, 8 huân chương giải phóng (dành cho các tập thể xã Ô Lâm và thị trấn Ba Chúc), 27 bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 6 bằng khen UBND tỉnh An Giang và 10 bằng Tổ quốc ghi công. Qua năm tháng, số bằng khen giờ đã lem luốc, ngả màu, không có khung treo".
Một chuyện khó tin như thế đã xảy ra, 115 bằng khen, huân huy chương và bằng Tổ quốc ghi công các liệt sĩ đã bị bỏ quên suốt 30 năm nay, khi đất nước đã thống nhất sau 42 năm, mà có rất nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ vẫn chưa nhận được những gì thuộc về họ.
Chỉ là lỗi của 1 cán bộ, và giờ thì ông Son đã chết, nên không biết quy trách nhiệm cho ai. Suốt 30 năm qua, những thân nhân liệt sĩ, những gia đình người có công với cách mạng không nhận được một đồng tiền chế độ, vì làm gì có ai chứng nhận cho họ mà được nhận tiền? Các liệt sĩ đã hiến dâng cả mạng sống cho Tổ quốc, nhưng suốt 3 thập kỷ qua, họ đã bị bỏ quên.
Đúng là không biết nói gì. Đúng là chỉ thấy nỗi uất ức dâng nghẹn lên. Sự vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm hay cố tình ỉm giấy tờ, huân huy chương để ăn chặn tiền chế độ của hàng trăm gia đình, giờ đây sẽ phải làm cho rõ. Chỉ có điều, người gây nên tội đã qua đời, giờ không biết truy cứu ai.
Rất nhiều thân nhân của các liệt sĩ, của người có công được nhận bằng khen tỏ ra bức xúc, người thì cha mẹ qua đời lâu rồi, giờ mới được cầm tấm bằng khen của Nhà nước ghi công, người thì có thân nhân là liệt sĩ, giờ mới được cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công đã hoen ố màu.
Đó là mạng người, đó là máu xương mà người thân họ đã hiến cho Tổ quốc, thiêng liêng không gì so sánh nổi, giờ thì tất cả nhận về chỉ là một tấm giấy ố màu. 30 năm không được hưởng một đồng chế độ. Giờ đây chính quyền thị trấn đang đề xuất lên trên cho họ được "nhận một lần".
Những cán bộ làm việc tắc trách như thế, không biết có nhiều không? Nhưng họ ăn lương từ tiền thuế của người dân, để phục vụ dân mà cuối cùng lại nhẫn tâm bỏ quên hàng trăm gia đình đã hiến dâng cả tính mạng, xương máu người thân cho đất nước, chẳng hiểu họ đã làm gì trong suốt 30 năm qua?
Hôm qua trên bàn nghị sự Quốc hội, khi bàn đến Luật Cảnh vệ, đã có thông tin cho biết, nhiều tỉnh muốn có cảnh vệ cho các chức danh Bí thư, Chủ tịch tỉnh, sau sự vụ xảy ra ở Yên Bái vào năm ngoái.
Tác giả bài viết trên Đất Việt thực sự tâm đắc với ý kiến của nhiều người cho rằng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh không cần thiết phải có cảnh vệ, nếu thực sự đó là những cán bộ vì dân, lo cho dân, làm việc công tâm, đầy tinh thần trách nhiệm thì hàng triệu người dân sẽ trở thành "cảnh vệ" cho các vị.
Báo Đất Việt nêu ý kiến: Nếu đừng có những vị cán bộ làm việc tắc trách đến mức bỏ quên huân huy chương, bằng Tổ quốc ghi công của hàng trăm gia đình suốt 30 năm, thì chẳng có ở đâu mà cán bộ lại phải cần đến cảnh vệ để lo cho sự an nguy của bản thân mình.
Nguồn: Báo Đất Việt