Đó là dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng.
Trong đó, những quy định xử lý đối với hành vi vi phạm về thông tin mạng, sử dụng mạng xã hội được quy định rất cụ thể, chi tiết.
Theo ông Lê Quang Tự Do — phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông), những quy định trong dự thảo nghị định này đã được cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế là mạng xã hội đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam, có số lượng người sử dụng ngày càng tăng, thông tin mạng có tốc độ lan tỏa và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn.
Cụ thể là cá nhân sử dụng mạng xã hội có thể sẽ bị phạt tiền từ 20 — 30 triệu đồng nếu có hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan, trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém giết, tai nạn rùng rợn trong các tin bài, phim, ảnh; cung cấp thông tin mê tín, dị đoan, không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam…
Nếu người đăng tải không gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn đã gỡ bỏ nội dung thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt với mức tiền nêu trên.
Quy định mới cũng dự kiến cho phép phạt tiền từ 30 — 50 triệu đồng nếu có các hành vi: cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự và nhân phẩm của cá nhân, giả mạo trang thông tin điện tử của các cá nhân, tổ chức khác…
Với hành vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân, có thể bị phạt tiền từ 2 — 5 triệu đồng. Người sử dụng mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10 — 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Còn đối với hành vi truy nhập mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền tới 30 — 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Bá Ngọc (chủ tịch NBN Media):
Chưa cần có quy định quản lý riêng
Hiện nay, chúng ta chưa có quy định nào về quản lý thông tin trên mạng xã hội. Nhưng trong bối cảnh mạng xã hội như hiện nay, theo tôi, chưa cần thiết phải có những quy định riêng về quản lý thông tin và người sử dụng mạng xã hội. Bởi vì chúng ta vẫn có thể quản lý được bằng những quy định pháp luật hiện hành. Hơn nữa, đối với mạng xã hội, quy tắc ứng xử của chính những người tham gia mạng xã hội đóng vai trò quan trọng hơn những luật lệ.
Mạng xã hội chỉ là một nền tảng (flatform). Những thông tin, ý kiến, thái độ… thể hiện trên đó, về mặt bản chất hành động vẫn là những gì nằm trong sự quản lý của pháp luật hiện hành. Người phát ngôn, người đưa thông tin — nhất là những thông tin chỉ trích, phê phán, nói xấu… — phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình ở bất cứ môi trường nào, bao gồm cả môi trường mạng xã hội. Nếu nói sai, có thể bị kiện vì tội vu khống, bị truy cứu nguồn gốc thông tin…
Mặt khác, không thể "xử" ai đó vì thông tin không làm mình hài lòng nếu như không viện dẫn được những căn cứ, bằng chứng cho thấy thông tin đó không chuẩn xác hoặc không chứng minh được ảnh hưởng, thiệt hại, không đưa ra được những quy định cho thấy có vi phạm… Tóm lại, theo tôi, mạng xã hội, thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn có thể quản lý được bằng việc vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý những tình huống cụ thể.
Nguồn: Tuổi Trẻ