Sáng 12/6, bên hàng lang Quốc hội, trả lời câu hỏi về việc Bí thư Yên Bái ra quyết định thanh tra tài sản của em trai mình, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng dư luận sẽ nghi ngờ tính khách quan của lực lượng thanh tra, bởi lực lượng thanh tra tại chỗ sẽ không tránh khỏi sự nể nang. Từ đó, ông Phong cho rằng, Trung ương nên vào cuộc để nhìn nhận vấn đề khách quan hơn.
"Nếu họ trong sạch thực sự thì cũng minh chứng cho người ta rõ ràng. Nếu có vấn đề thì sẽ bị xử lý theo thẩm quyền", đại biểu Bến Tre nói.
Càng úp mở dư luận càng bức xúc
Liên quan đến câu chuyện vợ, con, người thân quan chức đứng tên tài sản, ông Đặng Thuần Phong cho rằng điều này làm cho việc giám sát tài sản của quan chức khó khăn hơn. Song, việc nếu muốn xác minh thì cũng không quá phức tạp vì liên quan đến việc chứng minh nguồn tiền.
"Theo tôi, ngoài kê khai của bản thân, quan chức cũng cần phải kê khai tài sản của người thân trong gia đình để nhìn nhận nguồn gốc tài sản từ đâu ra. Như vậy mới khách quan, mới đánh giá được cán bộ có trung thực hay không", đại biểu Phong chia sẻ.
Đại biểu này cũng nhìn nhận cơ chế kiểm soát tài sản quan chức đang tắc, phải tính toán giải pháp chứ không phải kê khai rồi để đó. Theo ông Phong, việc kê khai là cơ sở xác minh, đánh giá sự trung thực của quan chức nhưng bên cạnh đó phải có sự xác minh độc lập.
Việc xác minh thông tin có thể bắt nguồn từ quần chúng, các tổ chức xã hội. "Chúng ta xác minh để làm trong sạch nội bộ. Thứ nữa, nếu cán bộ mình giỏi, biết làm giàu thực sự thì phải nhân điển hình lên", ông Phong nói.
Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng cho rằng cách duy nhất để giải quyết những nghi ngờ liên quan đến biệt phủ hay tài sản của quan chức là công khai cho người dân biết. "Phải có kết luận rõ ràng, không úp mở. Không kết luận mà để chìm xuồng thì càng bức xúc trong dư luận xã hội", ông Phong bày tỏ.
Bí thư Yên Bái nên làm rõ để bảo vệ uy tín của mình
Trong khi đó, theo đại biểu Dương Trung Quốc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là em trai của Bí thư Tỉnh uỷ. Vì vậy, "chính bà Bí thư Tỉnh uỷ nên chỉ đạo làm cho rõ ràng để bảo vệ uy tín của mình", ông Quốc nói.
Liên quan đến phát biểu của Phó bí thư Yên Bái cho rằng "bên Đảng quyết định, chính quyền thừa lệnh", ông Dương Trung Quốc khẳng định: "Đó là sự đùn đẩy trách nhiệm. Bên Đảng hay chính quyền thực ra là một. Trách nhiệm là giải thích làm sao cho công chúng hiểu được".
Đại biểu cho rằng nếu không minh bạch thì người dân, dư luận có quyền gắn kết mối quan hệ ấy với những tài sản và nhiều câu hỏi không thỏa đáng. "Quyền tài sản là quyền thiêng liêng nhưng tài sản đó phải minh bạch", ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Liên quan đến tài sản của quan chức khiến dư luận nghi ngại, ông Quốc cho rằng hơn lúc nào hết cần chủ động làm rõ vì những người này đều liên quan đến Đảng. Trong khi Đảng, Nhà nước đang thừa nhận tham nhũng còn nặng nề thì người dân sẽ đặt ra nhiều câu hỏi liên quan.
"Bản thân người đó phải chứng minh được tài sản của mình là chính đáng. Còn nếu bất chấp dư luận mà làm như thế thì đến lúc nào đó mọi thứ cũng sẽ rõ ràng. Thậm chí theo tôi nghĩ, quan chức làm giàu chính đáng là một tấm gương, quan chức giàu thì mới làm giàu cho xã hội được", đại biểu bày tỏ.
Ngày 9/6, Thanh tra tỉnh Yên Bái cho biết đơn vị đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ toàn bộ nội dung báo chí nêu về khu đất 1,3 ha, đứng tên bà Hoàng Thị Huệ, vợ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Sỹ Quý. Ông Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Thời kỳ thanh tra là từ năm 2015 đến ngày 8/6/2017 và thời gian thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, không tính ngày nghỉ, lễ.
Ông Phạm Sỹ Quý (46 tuổi) được bà Phạm Thị Thanh Trà (khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) ký quyết định bổ nhiệm làm giám đốc sở vào ngày 9/9/2016.
Nguồn: news.zing.vn