Một số ý kiến bày tỏ sự tán đồng bởi cho rằng nên làm rõ và trừng trị đối với hành vi cản trở, xâm phạm đến người thi hành công vụ để làm gương.
Nhưng nhiều người cũng băn khoăn rằng, cơ quan chức năng khởi tố vụ án này có là việc làm "thấu tình đạt lý" hay không khi mà trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã từng cam kết trước bà con thôn Hoành rằng sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự với họ trong việc giam giữ cán bộ?
Trong dư luận nảy sinh ý kiến, rằng người dân Đồng Tâm cũng chỉ muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Dù bắt giữ người nhưng họ luôn đối xử tốt, nuôi ăn uống với những cán bộ bị tạm giữ chứ không đánh đạp hành hạ ai. Việc bị quy vào tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" là chưa thấu tình đạt lý.
Sau khi hay tin vụ án ở Đồng Tâm bị khởi tố, đêm qua, ông Lê Đình Kình — cựu Bí thư Đảng ủy xã cho biết đã gọi điện cho ông Nguyễn Đức Chung. Cuộc nói chuyện giữa ông Kình và Chủ tịch UBND Hà Nội diễn ra khá lâu nói về tính pháp lý, cũng như quan điểm về hàng chục ha đất ở đồng Sênh.
Bản thân ông Kình hiểu việc khởi tố vụ án chỉ là bước đầu tiên của quá trình điều tra vụ việc. Sau này, cơ quan công an sẽ xác định có khởi tố bị can hay không. Do vậy, khởi tố vụ án thì chưa chắc đã khởi tố bị can, nếu không đủ các yếu tố theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, chỉ ông và một số ít người am hiểu về pháp luật thì hiểu, nhưng đối với nhiều người dân Đồng Tâm nói chung, đa số họ không hiểu nên khi nghe tin khởi tố vụ án đã rất hoang mang. Theo ông Kình, Chủ tịch Chung nói sau khi hết hạn 45 ngày thanh tra, cơ quan chức năng cần 15 ngày dự thảo và 15 ngày công bố. Vì vậy, dự kiến đến giữa tháng 7 (hoặc tháng 8), kết luận thanh tra mới chính thức công bố. Chủ tịch Chung khuyên ông Kình nên giải thích cho người dân hiểu và động viên họ bình tĩnh, không nên làm điều gì xáo trộn.
"Tôi luôn bảo với bà con là cần phải bình tĩnh, không được nôn nóng. Gần 2 tháng nay, cuộc sống người dân Đồng Tâm đã trở lại bình thường với công việc thu chiêm, làm mùa, đời sống nông thôn yên ắng, giữ gìn an ninh tốt. Tôi nghĩ lúc này, cơ quan chức năng chưa nên khởi tố vụ án mà nên chờ thanh tra vụ việc xong", ông Kình nói.
Liên quan đến vụ việc này, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng chia sẻ hôm qua bà con Đồng Tâm đã gọi điện và ông khuyên: "Trước hết bà con phải bình tĩnh hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc".
"Việc bà con bắt giữ một số người thực thi công vụ, kể cả hiện tượng đập phá tài sản, đó là việc bà con đã nhận lỗi. Còn lỗi ở mức độ nào là công việc của cơ quan điều tra", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Còn Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho hay ông chia sẻ với bà con Đồng Tâm, ông rất mong bà con giữ bình tĩnh và hãy coi đây là việc làm hết sức bình thường của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
"Chúng ta phải xem xét về nguồn cơn phản ứng của người dân. Người dân Đồng Tâm cũng mong muốn yên ổn làm ăn như những người dân ở vùng quê khác. Tất cả những vấn đề này cần được xem xét thấu đáo", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Về phía luật sư, trên báo Pháp luật Plus, Luật sư Nguyễn Công Thành- Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú.
Mọi hành vi xâm hại tới quyền tự do thân thể của công dân đều là hành vi vi phạm pháp luật. Việc bắt, giữ hoặc giam người phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ có người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người phải chấp hành án phạt tù mới có bị bắt. Vì vậy, nếu người nào tự ý bắt, giam, giữ người trái pháp luật thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân, do vậy sẽ bị xử lý hình sự về tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Đối với vụ việc ở Đồng Tâm, luật sư Nguyễn Công Thành cho rằng, nếu thời gian tới, cơ quan điều tra khởi tố bị can thì những người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3, Điều 123 Bộ luật hình sự nêu trên với hành vi "chống người thi hành công vụ".
Bên cạnh việc khởi tố vụ án để điều tra về tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật", Công an TP Hà Nội còn khởi tố vụ án này để điều tra hành vi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" (theo điều 143 Bộ luật Hình sự). Về điều này, luật sư Nguyễn Công Thành cho biết, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ về chế độ tài sản và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự.
Theo đó, người nào cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
"Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm thời gian vừa qua có dấu hiệu tội phạm về các tội "Bắt giữ người trái pháp luật", "Hủy hoại tài sản". Vì vậy, việc cơ quan điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án là có căn cứ và đúng pháp luật" — Luật sư Nguyễn Công Thành nói.
Cũng theo luật sư Thành, theo quy định của pháp luật, sau khi khởi tố vụ án, thời gian tới đây, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi, hậu quả… của vụ việc và đối với hành vi của từng người, từng bên có liên quan để có những hình thức xử lý cho phù hợp.
Nguồn: Tổng hợp VOV, Pháp luật Plus, Zing