Công tác bốc dỡ 10 tàu Xô viết còn lại trong cảng biển bị phong tỏa diễn ra chậm chạp. Một phần là do các xe tải thường xuyên thiếu hụt xăng dầu, Mỹ đã ném bom kho nhiên liệu trước khi tiến hành phong tỏa. Do không đủ kho bãi dỡ hàng, cầu đường bị tàn phá hạn chế khả năng đưa hàng rời cảng. Nhưng khó khăn lớn nhất là những cuộc không kích không ngừng.
Ông Vladimir Payevsky, thủy thủ từ tàu Babushkin đã ghi lại trong nhật ký của mình: "Chúng tôi phải sẵn sàng với bất kỳ tình huống. Rất có khả năng rơi trúng tàu những trái bom mà phi công Mỹ bị trúng đạn sẽ thả bừa bãi để cứu máy bay. Hay máy bay bị bắn rơi. Hoặc các tên lửa mất mục tiêu hay chệch hướng, đạn pháo phòng không chưa kịp nổ. Đó là chưa kể các mảnh đạn thỉnh thoảng vẫn rơi trúng tàu."
Công việc bốc dỡ vẫn tiếp tục trong những điều kiện ấy. Và không chỉ có mỗi nhiệm vụ này.
"Rõ ràng sự phong tỏa sẽ kéo dài, — tác giả cuốn nhật ký viết. — Nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì tàu trong trạng thái hoạt động. Các thủy thủ hầu như luôn tay bịt những chỗ gỉ, sơn sàn, thân tàu, các thiết bị — khí hậu Hải Phòng làm tất cả rất chóng ẩm và hoen gỉ."
Tuy nhiên, cuộc sống của các thủy thủ không chỉ có công việc. 26 tháng 5, ngày phong tỏa thứ 16, trên tàu Babushkin đã diễn ra buổi biểu diễn nghiệp dư đầu tiên. Khán giả là các thủy thủ, các công nhân và lái xe người Việt. Họ cùng nhau hát Katyusha và Chiều Mát-xcơ-va. Vào đầu tháng 6, thủy thủ đoàn của tất cả mười tàu Liên Xô đã tổ chức ba ngày thi đấu bóng chuyền, bóng bàn và cờ tướng. Nhưng vài ngày sau, các cán bộ biên phòng Việt Nam lên tàu thông báo tối hậu thư mới của Mỹ: "Tất cả các tàu tiến hành bốc dỡ hàng trong cảng Hải Phòng sau khi có công bố phong tỏa cũng sẽ bị ném bom." Tác giả nhật ký viết: "Tối hậu thư này nhằm vào ai? Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục bốc dỡ. Không ai nghĩ sẽ rút lui."
"Ngày 2 tháng 7 xíu nữa đã kết thúc bi thảm đối với chúng tôi, — ông Vladimir Payevsky ghi trong nhật ký. — Khi đợt tấn công thứ hai trong ngay xảy ra, một tiếng nổ khủng khiếp làm rung chuyển con tàu. Những mảnh bom va vào boong tàu. Bom rơi cách Babushkin khoảng 30 mét. May thay đó là quả bom mảnh chứ không phải bom phá nổ. Boong tàu thủng lỗ chỗ, vỏ tàu trầy xước. Chúng tôi đều nguyên vẹn. Tuy nhiên, trên các thuyền Việt Nam đứng cạnh chúng tôi có một số người bị thương. Chúng tôi đã giúp đỡ họ."
Công việc bốc dỡ vẫn tiếp tục. Tác giả nhật ký ghi: "Ngày 7/7 — 62 tấn, 10/07 — 228 tấn, 14/07 — 156 tấn, 15/07 — 518 tấn. Chúng tôi bốc dỡ các dầm, đường ống, dây thép. Tất cả lập tức được gửi đi để sửa chữa con đập bị những kẻ xâm lược phá hoại."
Ngày 19 tháng 7, tàu Babushkin hoàn thành việc dỡ hàng, con tàu chuẩn bị chuyển sang đậu ở vùng nước trước bến. Nhưng các thủy thủ có công việc mới. Cảng yêu cầu hỗ trợ bốc dỡ các tàu nhỏ đang đứng bên cạnh. Moskva đã quyết định để Babushkin đứng lại trên bến và giúp đỡ các bạn Việt Nam. "Mặc dù đứng ở bến tàu nguy hiểm hơn so với trong vùng nước của cảng, — ông Vladimir Payevsky viết, — tất cả trên tàu coi đó là quyết định đúng đắn."
Bắt đầu việc gỡ mìn trong lạch cảng. Những người Việt Nam bắt tay vào công việc này, không chờ người Mỹ đang trì hoãn với lý do chưa sẵn sàng. Mỹ không đảm bảo an toàn qua lại của tàu thuyền. Nhưng ngày 5 tháng 2, bốn tàu Việt Nam đầu tiên đã đi qua bãi mìn vào cảng. Sức tải của các tàu này là hai đến ba ngàn tấn. Sức tải tàu Babushkin gấp bốn lần. Tàu chưa thể đi qua bãi mìn.
Ngày 10 tháng 2, trong bữa tiệc chia tay các thủy thủ Liên Xô do Bộ Giao thông vận tải Việt Nam tổ chức, người đứng đầu Bộ cho biết: "Nhờ sự hiện diện của các thủy thủ Liên Xô, bất chấp những tổn thất của các thủy thủ và hư hại tàu, cảng Hải Phòng đã được cứu khỏi sự hủy diệt." Ngày 17 tháng 2, tất cả các thủy thủ Liên Xô đã được trao huy chương Hữu nghị của Việt Nam. Và ngày mùng 3 tháng 3, tàu Babushkin rời cảng Hải Phòng bơi ra biển. Phía sau là gần 300 ngày bị phong tỏa. Sau đó, con tàu tiếp tục đưa hàng hóa đến các cảng của miền Bắc và miền Nam Việt Nam.