Ngày 21/6, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Dẫn lại số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận, EVN hiện là quán quân trong vay nợ Chính phủ bảo lãnh.
"Cuối 2015, nợ vay được Chính phủ bảo lãnh khoảng 26 tỷ USD, trong đó nợ của EVN khoảng 9,7 tỷ USD, chiếm 37%", ông Lục dẫn chứng.
Nhắc đến con số này, ông Lục truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu EVN phải giảm chi phí gián tiếp, trực tiếp để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí.
Số nợ còn treo của EVN cũng khiến Thứ trưởng Nội vụ — Nguyễn Trọng Thừa, thành viên tổ công tác sốt ruột.
"Đây là gánh nặng lớn cho tập đoàn trong hạch toán, điều hành. Nợ tính vào giá nên giá điện buộc phải cao là đúng rồi", ông Thừa nhận xét.
Đoạt ngôi quán quân nợ, lãi của EVN không đáng là bao. Hồi tháng 4/2017, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện EVN dẫn báo cáo kết quả hoạt động trong giai đoạn 2011-2016 cho biết, năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng (đương đương khoảng hơn 12 tỷ USD), tăng 14% so với năm 2015.
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN và các đơn vị đều có lãi.
Vào thời điểm đó, con số lợi nhuận cả năm 2016 chưa được công bố.
Tuy nhiên, trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của EVN cho biết doanh thu thuần đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức lỗ ròng đến gần 930 tỷ đồng do chi phí tài chính cao đột biến.
Cụ thể, hoạt động tài chính của EVN mang về con số lỗ khủng với doanh thu chỉ hơn 3.352 tỷ đồng, thì chi phí lại đột biến lên mức hơn 15.500 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay, lãi trái phiếu ở mức hơn 6.800 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2017, EVN cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…) là hơn 7.200 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Đất Việt